Tăng chất cho đầu tư ra nước ngoài
Điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc | |
Phân bổ vốn đầu tư trung hạn: Lo tiếp diễn đầu tư dàn trải, manh mún | |
Nhật mở rộng đầu tư vào nông nghiệp |
Khó khăn bủa vây
Đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia đã hơn 10 năm, tới nay Tập đoàn Cao su Việt Nam đang chính thức bước vào giai đoạn vận hành kinh doanh dự án. Theo ông Phạm Văn Thành, Trưởng Ban Kế hoạch và Đầu tư, Thành viên HĐTV, trong suốt quá trình 10 năm vừa qua, DN này đã đối mặt với vô vàn khó khăn để có thể triển khai các dự án ngoài biên giới Việt Nam. Ngoài việc phải hiểu biết pháp luật trong nước, NĐT cũng cần nắm rõ các quy định, chính sách của nước sở tại, chưa kể các vấn đề khác biệt về văn hoá, xã hội… cũng gây ra không ít rào cản cho DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Ông Thành dẫn chứng, vấn đề gây ra nhiều thủ tục phức tạp, tốn kém và kéo dài nhất hiện nay là tiếp cận đất đai. Chẳng hạn như khi tiến hành giải phóng mặt bằng, các bất đồng về văn hoá và ngôn ngữ khiến DN không thể tìm được tiếng nói chung với người dân địa phương. Ở một số nơi, quyền phân chia đất nằm trong tay già làng, trưởng bản, vì vậy DN dù đã làm việc với cơ quan quản lý nước sở tại, song khi xuống hiện trường vẫn phải thương thuyết lại từ đầu. Các công đoạn nằm ngoài dự tính này sẽ khiến thời gian tiếp cận đất kéo dài, làm giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, lời khuyên của các NĐT đi trước là DN nên dự phòng sẵn các khoản kinh phí để sử dụng trong giai đoạn chuẩn bị đất đai.
Đất đai là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài |
Bên cạnh đó, việc hoàn tất thủ tục pháp lý đất đai ở Lào và Campuchia hiện cũng rất phức tạp do năng lực các đơn vị tư vấn hoàn tất thủ tục như đo đạc, cắm mốc… cũng như năng lực chính quyền sở tại nói chung rất hạn chế. Ngoài ra thì việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng có nhiều chi tiết và điều khoản ràng buộc, cũng làm tốn chi phí khá lớn của DN.
Một vấn đề quan trọng khác là lao động. Hiện lực lượng lao động của Campuchia tại vùng dự án còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trong khi theo quy định của pháp luật Campuchia, NĐT Việt Nam chỉ được sử dụng 10% lao động Việt Nam đưa sang để triển khai thực hiện dự án. Đây là tình trạng khiến nhiều NĐT đang “vướng như gà mắc tóc”, diễn ra ở các dự án trồng 6.000 ha cao su của CTCP Cao su Dầu Tiếng - Kratie; dự án trồng cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk; dự án trồng và khai thác cao su của Công ty TNHH Bất động sản Phú An.
TS. Trần Thị Thuý Hoa, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, hiện các DN thuộc hiệp hội đã trồng khoảng trên 28.000 ha cao su ở Lào và 90.000 ha ở Camuchia. Nhìn chung các DN khi đầu tư vào 2 quốc gia này đều vấp phải nhiều khó khăn và bước đầu rất loay hoay tìm cách tháo gỡ. Bà Hoa đánh giá, DN Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về cả luật pháp quốc gia cũng như nước tiếp nhận đầu tư. Ngoài ra thì các cam kết quốc tế cũng là những thông tin mà DN cần nắm vững, song hiện vẫn rất thiếu.
Hoá giải rủi ro tiềm ẩn
Những trở ngại trong việc “mang chuông đi đánh xứ người” không phải là cá biệt, mặc dù hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã được thực hiện rộng rãi từ lâu nay. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 1/2017, Việt Nam đã có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,39 tỷ USD.
Nhìn chung, các dự án của NĐT Việt Nam tại các thị trường trọng điểm được Chính phủ sở tại đánh giá tốt, có hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nguồn thu cho lao động địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội nước sở tại. Mặc dù vậy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đang tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hoá, pháp luật và môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến các tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của NĐT Việt Nam trong khu vực.
Chính vì vậy, thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Con người và thiên nhiên (Panature) và Tổ chức Oxfarm Việt Nam đã thực hiện đánh giá thực trạng của các NĐT trong lĩnh vực nông nghiệp tại 2 thị trường trọng điểm là Lào và Campuchia, qua đó giúp nhận diện vấn đề và đưa ra những khuyến nghị tự nguyện cho NĐT nhằm giúp giảm thiểu rủi ro về môi trường, xã hội cho các DN Việt Nam đang và sẽ có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài.
Ông Đoàn Thanh Nghị, Phòng Đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của Lào, Campuchia đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, chưa thống nhất và khó tiếp cận. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước chưa thật sự đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách.
Một ví dụ điển hình là thời gian vừa qua, Chính phủ Campuchia có sự thay đổi đột ngột về chính sách đất tô nhượng như dừng cấp đất để thực hiện các dự án đầu tư nông, lâm nghiệp hoặc thay đổi thời hạn giao đất từ 70 năm, 90 năm xuống còn 50 năm đối với tất cả các dự án, kể cả dự án đã giao đất, cấp phép đầu tư trước đây. Quy định này đang ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NĐT.
Ở phía ngược lại, TS. Phạm Quang Tú, đại diện của Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam chỉ ra thực trạng là chính các NĐT cũng tự đưa mình vào thế rủi ro khi chưa áp dụng các quy tắc, chuẩn mực trong quá trình đầu tư. Cụ thể là NĐT chưa quan tâm đến vấn đề cung cấp thông tin cũng như tham vấn ý kiến, khiến cộng đồng không biết NĐT trên đất của mình là ai và ảnh hưởng của quá trình đầu tư trong tương lai với cuộc sống của họ là như thế nào.
Vì vậy, ông Tú khuyến nghị cần sớm có các hướng dẫn DN đầu tư có trách nhiệm cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng Việt Nam và các tổ chức khác, để áp dụng với nhiều lĩnh vực và các giai đoạn khác nhau trong quá trình triển khai dự án. Bên cạnh đó, NĐT nên tham vấn các cộng đồng bị ảnh hưởng trong suốt quá trình đầu tư. Từ phía Chính phủ các nước sở tại, nên thực hiện các quy định công ước quốc gia hiện hành và bổ sung hệ thống giám sát và mức phạt, cũng như phân công công việc giữa các cơ quan Nhà nước và các cấp cần được làm rõ hơn. Ngoài ra, các quốc gia tiếp nhận đầu tư nên thiết lập và duy trì một hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án lớn mà người dân có thể truy cập.