NHNN có vai trò chủ đạo trong việc ổn định tiền tệ - tài chính
Quang cảnh Hội thảo
NHNN đóng vai trò chủ đạo
Theo các diễn, các nước trên thế giới đều nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của ổn định tài chính như một điều kiện cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô do sự gắn kết chặt chẽ giữa hai mục tiêu này. Sự mất ổn định tài chính sẽ tác động đến môi trường kinh tế vĩ mô, các hoạt động kinh tế, ổn định giá trị đồng tiền và quá trình truyền tải chính sách tiền tệ (CSTT).
Ổn định tài chính gồm nhiều thành tố, nhưng quan trọng nhất là ổn định hoạt động của các trung gian tài chính, hạ tầng tài chính (hệ thống thanh toán và hệ thống thông tin tín dụng) và thị trường tài chính.
Đối với Việt Nam, các đại biểu nhất trí cho rằng, NHNN đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện chức năng ổn định tiền tệ - tài chính. Một phần cũng bởi đặc thù của Việt Nam là hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính do NHNN quản lý chiếm hơn 90% tổng tài sản của các tổ chức tài chính. Do đó, chức năng và nhiệm vụ quản lý của NHNN cũng là vai trò quan trọng để kiểm soát ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng.
Không chỉ vậy, với vai trò là NHTW, các chính sách và công cụ để thực hiện ổn định hệ thống tài chính (hay nói cách khác là khuôn khổ an toàn vĩ mô) phần lớn thuộc thẩm quyền điều hành của NHNN.
Thực tế cũng cho thấy, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính là một vấn đề quan trọng đối với NHNN do mối liên hệ mật thiết giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và hoạt động của ngân sách với việc điều hành CSTT một cách có hiệu quả.
Sự bất ổn của hệ thống ngân hàng - tài chính sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với quá trình truyền tải tác động của CSTT đến nền kinh tế. Bong bóng giá bất động sản, mức độ vay nợ cao cũng như tính kém hiệu quả của khu vực DN sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực của NHNN trong việc kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đặc biệt khi cần xác định thời điểm, mức độ và qui mô của các công cụ CSTT.
Bên cạnh đó, NHNN cần nắm sát diễn biến của tổng thể hệ thống tài chính do nhu cầu vốn của các thành viên trên thị trường có thể biến động bất thường khi gặp các cú sốc và mất cân bằng tài chính. Sự thiếu hụt thanh khoản có thể nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính, trong đó có hệ thống các TCTD và các định chế tài chính. Vì vậy, CSTT và ổn định tiền tệ là vô cùng quan trọng góp phần ổn định khu vực tài chính.
Ổn định tài chính là “một trạng thái trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư” (Ngân hàng Trung ương Châu Âu) |
3 trụ cột triển khai chức năng ổn định tiền tệ - tài chính
Luật NHNN năm 2010 và Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 cũng đã quy định rõ NHNN có chức năng tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình tiền tệ, tài chính; đề xuất các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có tính hệ thống trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính; và xây dựng chính sách, biện pháp ứng phó với khủng hoảng, đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng, tài chính.
Đây là một chức năng quan trọng của NHTW mà sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã chứng minh. Điều này cũng phù hợp với xu hướng ngày càng có nhiều các nước trên thế giới luật hóa chức năng “Ổn định tài chính” của NHTW cũng như phát triển bộ phận chuyên trách về ổn định tài chính thuộc NHTW. Sự ra đời của Vụ Ổn định Tiền tệ - Tài chính thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên theo các diễn giả, để có thể thực hiện tốt chức năng này, NHNN cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, việc triển khai toàn diện chức năng này cần được nghiên cứu trên ba trụ cột chính.
Thứ nhất, phát triển một khuôn khổ an toàn vĩ mô hiệu quả với bộ công cụ thích hợp để phân tích, ngăn ngừa, cảnh báo và xử lý sự tích tụ rủi ro hệ thống. Đồng thời, NHNN cần sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình hoạch định chính sách và cung cấp, chia sẻ thông tin kịp thời với các bộ, ngành liên quan; cơ chế điều hành và quản lý minh bạch, thông tin kịp thời đến nhân dân và thị trường cũng là một nhân tố quan trọng và cần nhận được sự phối hợp tích cực.
Thứ hai, các ngân hàng, tổ chức tài chính, dưới sự giám sát và hướng dẫn của NHNN và các cơ quan liên quan, phải đẩy nhanh thực hiện những cải cách, không ngừng cải thiện công tác quản trị điều hành và quản lý rủi ro để hỗ trợ cho công tác giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và vì lợi ích sống còn cho chính các tổ chức tài chính.
Thứ ba, nâng cao kiến thức tài chính, nhận thức về quyền lợi chính đáng cho người dân hay khách hàng sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, ngân hàng...
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN có vai trò chủ đạo, là đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chức năng ổn định tiền tệ - tài chính tại Việt Nam. Việc thực hiện ổn định tiền tệ - tài chính sẽ đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng - tài chính, hạn chế và phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng tài chính trong tương lai, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển bền vững.
Đồng thời, ổn định tiền tệ - tài chính sẽ hỗ trợ cho khu vực ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.
P.Linh