Tăng độ phủ các sản phẩm, dịch vụ tài chính
“Việc thực thi tài chính toàn diện sẽ đóng góp quan trọng cho quá trình giảm nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, để Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành những mục tiêu thiên niên kỷ của mình”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo Khung Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện của Việt Nam do NHNN phối hợp với NH Thế giới (WB) tổ chức ngày 18/1 tại Hà Nội.
Chiến lược tài chính toàn diện giúp tăng tỷ lệ tiếp cận của người dân, DN với các dịch vụ tài chính cơ bản chính thức |
Chia sẻ thêm tại hội thảo, Phó Thống đốc cho biết: trong nhiều năm qua, khi mà nguồn lực tài chính cho phát triển còn rất hạn hẹp, với những nỗ lực không ngừng, Chính phủ và ngành NH Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể để giúp những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cư dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các DNNVV, siêu nhỏ được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng, từ đó giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu an sinh xã hội.
Tuy vậy, thực tế cần nhìn nhận, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện tại Việt Nam còn khá khiêm tốn do vẫn tồn tại một số rào cản. Do đó cần phải có những sửa đổi về mặt chính sách và khuôn khổ pháp lý phù hợp nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận của người dân và DN với các dịch vụ tài chính cơ bản chính thức.
Làm rõ thêm về điểm này, trong bài trình bày của mình về Dự thảo Khung Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, ông Đinh Xuân Hà, đại diện Viện Chiến lược NH nhấn mạnh mục tiêu tổng thể của Dự thảo Khung Chiến lược là “đảm bảo tất cả người dân ở độ tuổi trưởng thành, DN tiếp cận và sử dụng thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý do các tổ chức tài chính chính thức hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm cung ứng”.
Dự thảo Khung Chiến lược cũng đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu gồm ba trụ cột. Đối với trụ cột một: việc đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ và các kênh cung ứng dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán và chuyển tiền được xem là lĩnh vực đột phá. Bởi việc tiếp cận tới dịch vụ thanh toán sẽ giúp cá nhân, DN tiếp cận tới tài khoản thanh toán. Từ đó có cơ hội sử dụng các dịch vụ tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm phục vụ cho các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển sản xuất kinh doanh của mình.
Trụ cột hai, tăng cường năng lực và đa dạng hoá các loại hình tổ chức cung ứng cũng cần chú trọng cả truyền thống và hiện đại. Theo đó, tăng năng lực của các định chế tài chính chuyên biệt hướng tới bao phủ rộng khắp mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính. Đi cùng với đó là mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính để tạo ra các kênh phân phối dịch vụ tài chính mới, thuận tiện, chi phí thấp tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tới những đối tượng ưu tiên của tài chính toàn diện.
Trụ cột ba, Viện Chiến lược NH cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao năng lực tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. Từ việc xây dựng, triển khai thực hiện Chiến lược giáo dục tài chính một cách có hệ thống, có tầm nhìn dài hạn tới vấn đề truyền thông và phổ biến kiến thức tài chính. Đặc biệt là xây dựng khuôn khổ pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính theo cách thức tiến gần với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Lắng nghe những chia sẻ từ phía NHNN, đại diện tới từ WB - ông Douglas Randall đánh giá cao việc xây dựng Dự thảo Khung Chiến lược tài chính toàn diện của NHNN. Ông Douglas Randall cho rằng, để đạt được mục tiêu tài chính toàn diện cần những nỗ lực có chủ đích và tập trung, cần sự phối hợp, điều phối chung giữa các bên liên quan.
Trong số 34 quốc gia đang triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (NFIS), đại diện WB chỉ ra, kể cả ở các nước có một đơn vị đầu mối duy nhất thì cũng thường xuyên có sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Dẫn ra trường hợp cơ chế điều phối của Jamaica, ông Randall cho biết ở quốc gia này có Hội đồng Quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó gồm ba cấu phần chính: Ban chỉ đạo về tài chính toàn diện, Ban tham vấn các bên liên quan (khu vực tư nhân, xã hội dân sự) và Ban thư ký kỹ thuật. Trong đó, Ban chỉ đạo về tài chính toàn diện gồm: nhóm công tác cơ sở hạ tầng tài chính và thanh toán bán lẻ; nhóm công tác tài chính DN vi mô, DNNVV và tài chính nông nghiệp; nhóm công tác tài chính hộ gia đình và nhóm công tác bảo vệ người tiêu dùng, hiểu biết tài chính.
Hay với Kế hoạch hành động Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (NFIS) của Tanzania, quốc gia này chú trọng tới yếu tố chính là thông tin tốt và khách hàng tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng.
Sau khi xây dựng xong, việc triển khai thực hiện Khung Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện được NHNN đặt ra với lộ trình dự kiến trong 10 năm, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm. Ban chỉ đạo và cơ quan thường trực là NHNN chịu trách nhiệm định kỳ hàng năm đánh giá, giám sát kết quả thực hiện theo các chỉ tiêu, cũng như đề xuất điều chỉnh nếu cần thiết…