Tăng học phí cần tránh lạm thu
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách, vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của trung ương, trong đó riêng đối tượng nghèo và cận nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố.
Nói về việc tăng học phí nêu trên, anh Nguyễn Hồng Sơn (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ sự đồng tình với việc tăng học phí của các trường công lập, bởi theo anh mức học phí hiện nay còn tương đối thấp. Thế nhưng, tăng học phí phải đi cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dậy của các trường.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phải nghiêm túc quán triệt các trường, tránh tình trạng “ăn theo” học phí để tăng các khoản thu khác. Nếu như thế nó sẽ gánh nặng cho nhiều người dân. “Thực tế cho thấy các trường không hề giảm thu, mà ngược lại các khoản thu khác vẫn thu và năm sau tăng hơn năm trước”, anh Sơn bài tỏ quan ngại.
Cùng lo lắng với mức học phí tăng lên, anh Trần Hùng, một phụ huynh ngụ huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho hay rất nhiều gia đình ở Sóc Sơn vẫn rơi vào khó khăn, tiền ăn hằng ngày còn thiếu nên việc tăng học phí, dù là ít, cũng tác động đến họ. Đặc biệt, quyết định tăng học phí cùng với thời điểm tăng lương cơ sở, điều này khiến lo ngại về việc giá tiêu dùng tăng gây áp lực với nhiều hộ gia đình.
Một phụ huynh khác cũng bày tỏ: Thời buổi này cái gì cũng tăng giá, với đồng lương giáo viên đúng là khó sống nổi. Cho nên, tăng học phí để hỗ trợ thêm cho đời sống giáo viên là đúng. Thế nhưng, như con tôi dù học phí không nhiều nhưng tiền dạy thêm, tiền nước rửa tay, vệ sinh, điều hòa… cũng gấp mấy lần học phí. Vậy sao không gom hết lại thành một khoản cho dễ kiểm soát?
“Tôi mong các em học sinh sẽ không phải từ bỏ giấc mơ học tập của mình chỉ vì học phí tăng, giá tiêu dùng tăng theo, các khoản phụ phí cũng theo chân tăng”, anh Trần Hùng nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội khuyến học TP. Hà Nội cũng cho rằng: Điều chỉnh tăng học phí nhưng không lạm thu, vì đây là mối lo của các gia đình phụ huynh có con em theo học. Các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện, các loại quỹ và tình trạng dạy thêm, học thêm của các trường phải được kiểm soát.
Nhìn chung, quan điểm của nhiều bậc phụ huynh là đồng tình tăng học phí, nhưng cũng cần phải có sự điều tiết, quản lý chặt chẽ hơn những khoản thu ngoài học phí, tránh tình trạng tát nước theo học phí. Có như vậy việc tăng học phí mới không ảnh hưởng đến việc học tập của các em nhỏ, nhất là những em thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Về vấn đề này, các chuyên gia về giáo dục cho rằng bên cạnh việc tăng học phí cũng cần có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, đối tượng ưu tiên, gia đình khó khăn.
Liên quan đến cải thiện thu nhập cho giáo viên, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương là cần thiết, nhưng nguồn kinh phí nên lấy chủ yếu từ ngân sách nhà nước.