Tăng thu từ thu dịch vụ: Lựa chọn ít rủi ro, tiết kiệm chi phí cho ngân hàng
VietinBank đẩy mạnh số hóa hệ sinh thái ngân hàng | |
Triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN: Nhiều đơn vị giảm giá sản phẩm, dịch vụ |
Tăng trưởng khả quan
Theo dự báo của các chuyên gia Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tăng từ mức bình quân 8,6% năm 2018 lên 10% trong năm 2019 và 13,8% trong năm 2020. Kết thúc quý I/2019, báo cáo của nhiều nhà băng cũng ghi nhận xu hướng tăng thu dịch vụ khả quan.
Tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ/tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng dự báo tăng lên mức 13,8% trong năm 2020 |
Đơn cử, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của VietinBank cho thấy, lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này tăng đột biến 64%, đạt 969 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ cũng đóng góp tới 1.069 tỷ đồng vào tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank, tăng 21% so với cùng kỳ và là nguồn thu riêng lẻ lớn thứ hai của nhà băng này sau tín dụng.
Nhiều NHTMCP cũng có tăng trưởng ấn tượng đối với thu dịch vụ trong quý I/2019: Dịch vụ đem lại cho VPBank lợi nhuận tới 745 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước; lãi dịch vụ của MB tăng tới 2,4 lần kỳ trước, đạt 758 tỷ đồng - đóng góp gần 14% tổng thu nhập hoạt động ngân hàng quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm 2018 tỷ lệ này chỉ hơn 7%; ở VIB mảng này tăng hơn 2,7 lần - đạt 348 tỷ đồng và chiếm tới 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này; Sacombank thu dịch vụ đạt 642 tỷ đồng - tăng 18%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của TPBank tăng 3 lần lên gần 217 tỷ đồng...
Trước đó, trong bức tranh lợi nhuận khá tươi sáng của các ngân hàng năm 2018 cũng có sự đóng góp không nhỏ của nguồn thu dịch vụ. Ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB cho biết, năm 2018 thu phí dịch vụ của MB tăng trưởng mạnh với tốc độ hơn 120% so với cùng kỳ nhờ mô hình kinh doanh phí được triển khai quyết liệt. Thu phí dịch vụ của MB vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2019 nhờ củng cố các mô hình kinh doanh truyền thống như dịch vụ thanh toán, tài khoản và thẻ… đồng thời tăng cường đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh mới như kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), ngân hàng số và ngân hàng giao dịch, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản...
Hay như Vietcombank cũng chia sẻ sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng trên tổng thu nhập, lấy trọng tâm là dịch vụ.
“Chú trọng tăng mạnh nguồn thu dịch vụ từ các sản phẩm, dịch vụ gắn với chuyển đổi ngân hàng số. Nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường công tác bán hàng, tăng cường hiệu quả bán tổng thể các sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng”, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Nguồn thu từ dịch vụ có sự tăng trưởng tích cực ở nhiều ngân hàng đồng nghĩa với việc sự lệ thuộc vào các sản phẩm cho vay truyền thống đang giảm dần, dịch vụ tài chính - ngân hàng cũng đa dạng hơn.
Theo lý giải của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, đẩy mạnh thu từ dịch vụ thể hiện những nỗ lực của hệ thống các NHTM trong quá trình số hoá các dịch vụ ngân hàng, qua đó đóng góp đáng kể làm đa dạng hoá nguồn thu của nhà băng, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng khó có cơ hội tăng trưởng cao như những năm trước.
Chuyển dịch để phát triển bền vững
Có thể thấy, phần lớn các nhà băng hiện nay đều đã có những kế hoạch nhằm đa dạng hoá nguồn thu từ dịch vụ, giảm gánh nặng thu tín dụng, tạo tỷ lệ hợp lý giữa tín dụng và phi tín dụng. Tăng thu từ dịch vụ là xu hướng đúng đắn trong bối cảnh các ngân hàng đang phải nỗ lực đáp ứng chuẩn Basel II, bởi muốn thu lãi từ hoạt động tín dụng thì các ngân hàng đều phải tính toán tới việc tăng vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, hướng đi này cũng góp phần giảm thiểu rủi ro, tạo tiền đề cho lợi nhuận tăng trưởng bền vững.
Trong Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM. Một trong số những giải pháp là chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đề ra mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 12-13%.
Thêm nữa, việc nhà băng đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ một phần lớn do nhu cầu của khách hàng có xu hướng tăng. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2019 do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) công bố cho thấy, nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại TCTD (nhu cầu vay vốn, nhu cầu gửi tiền và nhu cầu đối với dịch vụ thanh toán và thẻ) trong quý I/2019 được nhận định ở mức tích cực, tăng so với quý trước và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019.
Theo chuyên gia chia sẻ, chìa khoá để giúp đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ nằm ở nhân sự, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như lựa chọn ra sản phẩm phù hợp. Trong bối cảnh có sự hiện diện ngày càng nhiều các công ty Fintech, nhiều nhà băng đã có lựa chọn “bắt tay” với các đối tượng này, đặc biệt là các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm phù hợp với CMCN 4.0.
Chỉ riêng với lĩnh vực thanh toán, việc đẩy mạnh công nghệ thông tin sẽ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, từ đó tạo hấp dẫn, giữ chân được các “thượng đế”. Ứng dụng của công nghệ thời đại 4.0 sẽ hỗ trợ rất nhiều trong thu phí từ dịch vụ, tất nhiên điều này đồng nghĩa sẽ đòi hỏi sự đầu tư tương ứng từ phía ngân hàng.
“Có một hạ tầng công nghệ vượt trội, các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến sẽ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là chúng ta phải hiểu nhu cầu, hành vi trên kênh số của khách hàng để có thể đưa các giải pháp phù hợp nhằm mang lại giá trị và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng”, đại diện Techcombank chia sẻ.