Triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN: Nhiều đơn vị giảm giá sản phẩm, dịch vụ
NAPAS tiếp tục thực hiện miễn và giảm phí dịch vụ chuyển mạch cho ngân hàng | |
CIC giảm giá các sản phẩm thông tin tín dụng |
Triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, hàng loạt tổ chức, ngân hàng thương mại đã triển khai giảm giá dịch vụ, giảm lãi suất… để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng phát triển kinh tế.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) thực hiện giảm đến 100% phí dịch vụ chuyển mạch (mức thu bằng 0 đồng) tùy theo loại giao dịch đối với các Tổ chức thành viên là các ngân hàng sở hữu mạng lưới chấp nhận thanh toán kể từ ngày 1/3/2019, sớm hơn 2 năm so với lộ trình đặt ra ban đầu. Đây là lần thứ 2 NAPAS thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển mạch trước thời hạn. Trước đó, ngày 1/3/2018, NAPAS đã thực hiện điều chỉnh giảm đến 25% phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) cho các Ngân hàng thành viên so với mức phí dịch vụ trước sáp nhập.
Việc giảm giá dịch vụ sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt |
Đặc biệt, hướng tới mục tiêu nhằm chuẩn hóa kết nối hệ thống chuyển mạch theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa (VCCS) cũng như hỗ trợ các ngân hàng hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 25 triệu thẻ ATM, 150.000 máy POS và 6.000 máy ATM vào cuối năm 2019 theo lộ trình chuyển đổi thẻ chip của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19 về hoạt động thẻ ngân hàng, NAPAS sẽ tiếp tục giảm từ 47% - 80% phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) cho các Ngân hàng thành viên hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1/5/2019.
Bên cạnh đó, nhằm hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH), kể từ 1/10/2019, NAPAS sẽ thực hiện giảm tiếp 25% phí dịch vụ chuyển mạch cho các Ngân hàng thành viên triển khai kết nối với hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ của NAPAS.
Cùng với NAPAS, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng vừa ra quyết định giảm phí cấp tin. Theo Quyết định số 105/QĐ-TTTD ngày 17/4/2019 về việc giảm giá các sản phẩm thông tin tín dụng thì các sản phẩm sẽ được áp dụng mức giá giảm 10% đơn giá sản phẩm so với mức giá quy định tại hợp đồng đã ký.
Đặc biệt, CIC vẫn tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi với một số tổ chức đặc biệt như Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô: Áp dụng mức giá bằng 20% so với mức giá sản phẩm tương ứng cung cấp cho TCTD; Ngân hàng Chính sách xã hội: áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ tương ứng cung cấp cho TCTD. Tổ chức tự nguyện có chia sẻ thông tin tín dụng được áp dụng mức giá sản phẩm quy định tại Phụ lục I của Quyết định này. Đối với các sản phẩm khác theo hợp đồng đã ký giữa Tổ chức tự nguyện và CIC và còn hiệu lực, áp dụng mức giảm giá 10% đơn giá sản phẩm so với mức giá quy định tại hợp đồng đã ký.
Việc giảm giá theo quyết định sẽ được thực hiện kể từ ngày 01/5/2019 và thay thế Quyết định số 210/QĐ-TTTD ngày 21/8/2018 của Tổng Giám đốc về mức giá sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cung cấp cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tự nguyện có chia sẻ thông tin tín dụng.
Triển khai Chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cũng vừa thông báo trước Đại hội đồng Cổ đông 2019 của ngân hàng này về việc giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, ngoài 5 lĩnh vực cho vay ưu đãi lãi suất ngân hàng này đang xem xét để giảm lãi suất về khoảng 6% đối với các doanh nghiệp có sử dụng gói các sản phẩm, dịch vụ đồng bộ của Vietcombank.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc các cơ quan, ngân hàng giảm phí dịch vụ nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng ngân hàng, doanh nghiệp, người dân giảm các chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, kích thích tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng xây dựng chính sách phí dịch vụ hợp lý dành cho khách hàng. Qua đó, khuyến khích khách hàng trải nghiệm và sử dụng ngày càng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 tại Việt Nam của Chính phủ.