Tăng vốn và Basel II: Chỉ là một mặt của vấn đề
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36: Hướng tới chuẩn mực Basel II | |
Chất lượng dữ liệu là nền tảng để áp dụng Basel II | |
Áp dụng Basel II: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho NHTM |
Nhiều NHTM đưa ra kế hoạch tăng vốn trong mùa Đại hội năm nay cũng như trong năm 2017. Trong tháng 3/2016, một loạt NHTM như MB, Saigonbank, VPBank... đều đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ. Trước đó bắt đầu từ tháng 2/2016, 10 NHTM do NHNN chỉ định chính thức bước vào thí điểm triển khai thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Chuyện NHTM tăng vốn có phải chỉ là áp lực thực hiện Basel II hay không?
Từ áp lực tăng vốn
Vốn là nền tảng của NH. Nên chuyện tăng vốn với NH là điều hiển nhiên, bởi nếu muốn tồn tại, vượt qua được những sóng gió của thị trường thì NH phải trường vốn. Hơn nữa, chủ trương của NHNN trong tương lai là rút gọn lại hệ thống NHTM để lành mạnh hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Vì vậy, những NHTM có vốn mạnh mới có khả năng “vượt vũ môn”.
Chính chuyện tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng thúc đẩy các NHTM bắt buộc phải có một lượng vốn đủ để trụ vững và không bị đào thải trong hệ thống NH ngày càng cạnh tranh này. Để tăng được vốn, thì NHTM phải có tính sinh lời cao, cổ đông của các NHTM cũng kỳ vọng vốn của họ bỏ vào NH sẽ có lãi.
Basel II không phải là nguyên do duy nhất câu chuyện NH tăng vốn |
Theo quy định hiện hành, một NHTM không thể cho đối tác, cá nhân, DN vay trên 15% vốn tự có. Do đó, NH nào có vốn tự có càng cao, thì càng có thể mở rộng tín dụng – mảng kinh doanh đã và sẽ tiếp tục mang lại trên 70% lợi nhuận cho NH.
Một nguyên nhân nữa khiến các NHTM phải tăng vốn, đó là “gối đệm” cho phòng ngừa thiệt hại, rủi ro. Những NHTM vốn quá mỏng, khi gặp phải rủi ro thì thiệt hại vô cùng lớn, thậm chí nguy cơ phá sản rất cao.
Hơn nữa, với xu hướng hội nhập ngày càng rộng, các NHTM sớm hay muộn cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện của Basel II, chứ không chỉ là “khuyến khích” như 10 NHTM đang thí điểm thực hiện như hiện nay. Áp dụng Basel II đương nhiên sẽ là áp lực với các NHTM khi phải tăng vốn. Bởi so với Basel I, khi triển khai Basel II còn phải tính tới yêu cầu vốn với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Theo Basel II, yêu cầu với các NHTM phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%. Tính tới cuối năm 2015, hệ số CAR của BIDV là 9%. Còn VietinBank giảm xuống 10%... Các NH ở ngưỡng CAR quanh 9% đều sẽ phải tính toán phương án tăng vốn. Yêu cầu tăng CAR lên chỉ 1% cũng tương đương với chuyện vốn điều lệ phải tăng thêm 8 - 10%.
Như vậy, có thể thấy rằng kể cả với những “ông lớn”, thì việc triển khai áp dụng Basel II là chuyện không hề dễ dàng. Và nhu cầu tăng vốn không chỉ tồn tại ở những NH nhỏ. Tăng vốn là kỳ vọng, mong muốn của tất cả NH trong hệ thống, khác biệt chỉ ở chỗ mức độ bao nhiêu là phù hợp với điều kiện và tiềm lực tài chính của mỗi nhà băng.
Basel II chỉ là một khía cạnh
Các chuyên gia tài chính cho rằng, áp dụng Basel dù là ở cấp độ I, II hay III thì đều xung quanh vấn đề an toàn vốn. Và với NHTM, việc đòi hỏi có lượng vốn phù hợp để kinh doanh là chuyện tất yếu. Đây cũng là vấn đề tối quan trọng của mỗi NH.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, một NHTM sở hữu vốn tự có dồi dào, thì đồng nghĩa sở hữu những tài sản hữu hình, tài sản cố định dồi dào; khả năng mở rộng kinh doanh hiệu quả... Từ đó mà NHTM có thể có nhiều dự định, kế hoạch kinh doanh hơn. Ngược lại, những NHTM nào vốn ít, tất yếu sẽ gặp nhiều rủi ro. Bởi vậy, đồng vốn với các NHTM theo Basel cực kỳ quan trọng trong tất cả mọi vấn đề.
Lãnh đạo một NHTM cũng cho rằng: Chuyện NH tăng vốn chưa bàn tới Basel II, mà mục đích cần vốn trước hết là yêu cầu căn bản cho hoạt động kinh doanh.
Nói thêm về câu chuyện Basel II, vị lãnh đạo trên cũng chia sẻ rằng: Việc “rục rịch” cho Basel II đã không còn mới trong hệ thống NH. Nhưng xem ra, NH Việt vẫn còn đang loay hoay và còn nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất nằm ở hành lang pháp lý.
Nói dễ hiểu, Basel II được áp dụng ở trong chế độ tài chính tư bản, trong khi Việt Nam dù đi vào kinh tế thị trường nhưng vẫn trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nên với Basel II - Hiệp ước vốn dựa hoàn toàn vào nền kinh tế thị trường - thì khi áp dụng tại Việt Nam đòi hỏi cần có thời gian để điều chỉnh phù hợp.
Thêm nữa, Basel II đòi hỏi những yêu cầu chặt chẽ, khắt khe và phức tạp hơn so với Basel I, nên việc áp dụng không thể “ngày một ngày hai”. Như việc với Basel I, trụ cột yêu cầu chỉ ở vốn tối thiểu, rủi ro tín dụng cũng như cách đo lường rủi ro và tính toán vốn. Nhưng bước sang Basel II, 3 trụ cột mà Hiệp ước này đưa ra là vốn tối thiểu, giám sát - kỷ luật thị trường và công bố thông tin.
Nhưng hành lang pháp lý cũng chỉ là một phần. Những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống NH Việt Nam khiến cho việc triển khai Basel II còn gặp nhiều nan giải. Ví dụ, sự minh bạch. Những chỉ tiêu, tỷ lệ, thước đo đòi hỏi phải là thông tin chính xác mới có thể sử dụng được công cụ này.
Để sử dụng công cụ Basel hiệu quả, thông tin tài chính, bảng cân đối kế toán phải được kiểm toán rõ ràng; các tài sản từ tiền mặt, trái phiếu đầu tư, dư nợ tín dụng... phải được thẩm định chính xác. “Không thể “phù phép” để đẩy lên quá mức so với thực tế được” - lãnh đạo một trong 10 NHTM thí điểm triển khai Basel II nhấn mạnh.
Một điểm nữa cũng cần đề cập tới để triển khai Basel II hiệu quả là nâng cao cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, công cụ kiểm toán, hạch toán... cần tăng cường mạnh mẽ bởi đó là những chỉ số yêu cầu phải vận hành mỗi ngày. Không có công cụ, thì việc đưa ra những cảnh báo rủi ro sẽ không làm được. Và khi đó, thì dù có áp dụng Basel ở mức độ nào cũng không mấy hiệu quả.