Dự thảo sửa đổi Thông tư 36: Hướng tới chuẩn mực Basel II
Sửa Thông tư 36 không phải “siết” tín dụng | |
Đẩy mạnh quản trị theo chuẩn mực quốc tế | |
Áp dụng Basel II: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho NHTM |
TS. Cấn Văn Lực |
Đây là quan điểm được TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Đánh giá của ông về dự kiến đưa tỷ lệ cho vay trung dài hạn từ mức 60% hiện nay về 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư?
Việc điều chỉnh tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống 40% liên quan đến việc quản lý thanh khoản cho hệ thống NH, đặc biệt là quản lý những rủi ro liên quan đến độ lệch kỳ hạn.
Tỷ lệ này nếu cao quá thì có nghĩa hệ thống NH đang phải dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, như vậy độ lệch về kỳ hạn sẽ lớn và đương nhiên rủi ro về thanh khoản và rủi ro lãi suất đối với NH sẽ tăng. Vì vậy tỷ lệ này cần được kiểm soát. Dự kiến điều chỉnh này cũng đồng thời phát đi tín hiệu để kiểm soát rủi ro tín dụng trung dài hạn khi tín dụng trung và dài hạn đã tăng khá nhanh thời gian vừa qua. Năm 2015, tín dụng trung dài hạn tăng khoảng 29%, trong khi bình quân tín dụng chung của hệ thống chỉ tăng 18%.
Các NH không nên quá lo ngại về con số 40% này. Bởi đến cuối 2015, tỷ lệ này mới dừng ở mức 31% (theo thống kê của NHNN), như vậy với mức 40% thì tức là vẫn còn room cho các NH tiếp tục cho vay. Tuy nhiên, có thể một số NHTM nhỏ vừa qua đã đẩy cho vay trung dài hạn lên nhiều thì tỷ lệ này có thể đã vượt ngưỡng 40% (dù vẫn đảm bảo dưới 60% hiện nay) nên họ có động thái rút về như thời gian vừa qua.
Thực tiễn trong thời gian vừa qua, một số NHTM đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên. Nguyên nhân chính có phải vì vấn đề mà ông vừa nói tới?
Theo tôi đây cũng là một yếu tố nhưng không phải là lý do chính yếu. Lý do chính của động thái này là vì hệ thống NH năm nay cần nguồn vốn trung, dài hạn để một mặt bù đắp phần tăng tín dụng trung dài hạn rất cao trong năm ngoái, vừa để phục vụ tín dụng trong năm nay với dự kiến tăng trưởng tín dụng cũng ở khoảng 18-20%.
Một lý do quan trọng khác là do thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành rất nhiều trong quý IV năm ngoái và quý I năm nay đã đẩy mặt bằng lãi suất TPCP cao hơn khoảng 0,5% - 0,7% so với cuối năm 2014 nên khiến khan hiếm nguồn vốn trung dài hạn và mặt bằng lãi suất huy động vốn bị đẩy lên.
Rất nhiều đánh giá cho rằng phần điều chỉnh trọng số cho vay với BĐS sẽ ảnh hưởng mạnh tới thị trường này, quan điểm riêng của ông thế nào?
Tôi cũng đồng ý với quan điểm sẽ có những tác động. Nếu Thông tư 36 sửa đổi như dự thảo thì hệ số rủi ro cho vay BĐS từ mức 1,5 lần sẽ tăng lên 2,5 lần so với thông thường, có nghĩa là hệ thống NH cần bổ sung vốn chủ sở hữu tương ứng để đảm bảo hệ số CAR luôn trên 9%. Phần bổ sung vốn tương ứng kia sẽ làm tăng chi phí vốn cho các NH. Hơn nữa trong điều kiện hiện nay việc bổ sung vốn cũng không dễ dàng.
Như vậy, hàm ý ở đây là các NH sẽ phải điều chỉnh đối với cho vay BĐS theo hướng hoặc không cho vay nữa, hoặc cho vay tiếp nhưng ở mức độ sàng lọc, chặt chẽ và có thể lãi suất cho vay sẽ cao hơn. Bởi lúc này, cho vay BĐS sẽ phải chấp nhận chi phí vốn cao hơn, rủi ro cao hơn. Điều này hoàn toàn đúng theo quy luật thị trường.
Nhưng tác động tích cực của việc cần thiết điều chỉnh ở đây là một mặt sẽ góp phần hạn chế, kiểm soát việc cho vay BĐS “nghe” đã có vẻ nóng trong một, hai năm vừa qua, từ đó nắn dòng tín dụng vào các kênh sản xuất kinh doanh khác. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo và nhắn nhủ các NHTM phải cẩn trọng hơn trong cho vay BĐS cũng như góp phần sàng lọc các dự án BĐS, giúp thị trường này phát triển lành mạnh, tích cực và bền vững hơn.
Sửa đổi Thông tư 36 sẽ giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững hơn |
Xét riêng trong hệ thống NH, Dự thảo sửa đổi này có những tác động nào đáng chú ý?
Dự thảo dự kiến điều chỉnh tỷ trọng nắm giữ TPCP của chi nhánh NH nước ngoài từ mức 15% vốn chủ sở hữu hiện nay lên 35%. Như vậy, các NH này sẽ có room rộng hơn để đầu tư nhiều hơn vào TPCP, qua đó kích thích và có thể tạo cú huých để phát triển thị trường trái phiếu. Điều này rất phù hợp với định hướng hội nhập của chúng ta hiện nay.
Quan trọng hơn là khi sửa đổi, điều chỉnh Thông tư 36 có lộ trình sẽ giúp hệ thống NHTM tiếp tục lành mạnh hóa, hoạt động theo thông lệ quốc tế nhiều hơn. Đây chính là bước giúp hướng tới chuẩn mực Basel II trong hoạt động NH.
Từ những vấn đề trên, ông có đề xuất và lưu ý gì?
Tôi cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 36 có tác động đối với nền kinh tế và với hệ thống TC-NH. Do đó cần có tính toán, đánh giá tổng thể nhưng cũng rất cụ thể ở tất cả các góc độ: Người làm chính sách, đối tượng chịu tác động chính sách và người thụ hưởng cuối cùng - khách hàng.
Với trọng số rủi ro trong cho vay BĐS, như tôi đã phân tích ở trên, việc sửa đổi cần đảm bảo một mặt giúp ngăn thị trường BĐS phát triển quá nóng (trong bối cảnh 70% vốn BĐS vẫn từ NH), nhưng mặt khác vẫn tạo dư địa để thị trường phát triển theo hướng lành mạnh. Như vậy mức 250% là tương đối cao, và tôi cho rằng mức 200% là phù hợp.
Nên phân loại, phân khúc BĐS để gắn với các trọng số rủi ro hợp lý nhất. Với những phân khúc rủi ro cao thì áp luôn trần 200%, còn với những phân khúc ít rủi ro hơn như nhà ở xã hội thì áp trọng số thấp hơn. Như vậy thì chúng ta vẫn có định hướng để cho các NH tiếp tục lựa chọn cho vay đối với lĩnh vực này.
Để Thông tư sửa đổi đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất thì việc thực hiện Thông tư sửa đổi cũng cần có lộ trình và lộ trình này cần được đề cập rõ. Như với mỗi điều chỉnh cụ thể thì thời điểm hiệu lực ra sao, lộ trình thực hiện cụ thể như thế nào để không tạo ra cú sốc đối với thị trường.
Xin cảm ơn ông!