Tạo môi trường tài chính ban đầu
Tinh thần khởi nghiệp tăng cao | |
Trên 40 mô hình khởi nghiệp nhận vốn đầu tư | |
Khởi tạo nguồn vốn cho startup Việt |
Sản phẩm khởi nghiệp dễ lỗi thời
Năm ngoái 3 ngân hàng: HDBank, OCB, SHB góp lại 30 tỷ đồng tạo quỹ khởi nghiệp nhưng cho đến nay quỹ này vẫn chưa hoạt động được do vướng mắc cơ chế đầu tư, lãnh đạo một trong ba ngân hàng này nói. Trước đó, UBND TP.HCM cũng công bố dành ra 1.000 tỷ đồng tạo môi trường cho khởi nghiệp bao gồm đào tạo, nghiên cứu, vườn ươm, tài chính…
Nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa xây dựng được quỹ khởi nghiệp, nguyên nhân chưa có đơn vị nào làm đầu mối để quản lý quỹ này. Những người làm ngân hàng cho rằng, ngay sau khi Chính phủ phát động tinh thần khởi nghiệp, các NHTM là một trong những tổ chức sẵn sàng tham gia nếu mô hình quỹ được hình thành trên cơ sở nhà nước bảo lãnh. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một quỹ khởi nghiệp nào đi vào hoạt động do chưa có cơ chế cho mô hình quỹ khởi nghiệp, đặc biệt là con người đam mê xây dựng quỹ khởi nghiệp.
Cần một bệ đỡ chính sách để có thể thương mại hóa các ý tưởng khởi nghiệp |
Trong khi đó các đại biểu quốc hội ở các tỉnh, thành cũng sốt sắng về vấn đề khởi nghiệp, chủ trương đã có nhưng chưa thực sự bật dậy như mong muốn của Chính phủ. Trong một cuộc đối thoại giữa Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM với các NHTM, nhiều đại biểu quốc hội cũng đặt vấn đề khởi nghiệp với các ngân hàng là sao không cho vay vốn? Tổng giám đốc một NHTMCP ở TP.HCM cho rằng, tín dụng ngân hàng là một loại hình kinh doanh có điều kiện, nên cần phải có tài sản đảm bảo nợ vay. Trong khi những dự án khởi nghiệp đa phần của những người trẻ mới có ý tưởng, không có tài sản thế chấp để vay vốn, sản phẩm chưa có thị trường…
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, các nhà khởi nghiệp đến với ngân hàng ông đều có chung một điểm, phương án kinh doanh có tính tuân thủ rất cao. Đặc điểm của chu kỳ sản phẩm ngắn, có thể dễ dàng bị thị trường thay thế bằng sản phẩm khác nên rất khó cho vay các DN khởi nghiệp. Trong khi đó bộ tiêu chí cho vay của các NHTM xây dựng thì yêu cầu hàng đầu là phải có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, có tài sản đảm bảo mới có thể cho vay.
NHTM tham gia lập quỹ khởi nghiệp
TS. Giáp Văn Dương cho rằng, “người kinh doanh điều hành một công ty thường chỉ vạch ra kế hoạch cho một năm, nhưng người khởi nghiệp phải mất ít nhất 5 năm theo đuổi ý tưởng sáng tạo của mình mới hy vọng thấy kết quả”.
Thực tế cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong thế giới phẳng thì những sản phẩm công nghệ mới nhất trên thị trường hôm nay, ngày mai có thể đã lỗi thời do bị một sản phẩm khác tốt hơn thay thế. Thậm chí nhiều DNNVV hiện nay còn thuê các gói thiết bị công nghệ thông tin của các công ty công nghệ, như một cách giảm thiểu chi phí đầu tư hạ tầng và luôn được sử dụng thiết bị mới nhất.
Thực tế, những ý tưởng sáng tạo của những người khởi nghiệp Việt Nam hiện nay rất nhiều, nhưng điểm yếu nhất của họ là thiếu vốn, ngoại ngữ để kết nối với những người cùng ý tưởng với mình trên thế giới để có thể liên kết hiện thực hóa ý tưởng ra sản phẩm kinh doanh.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư, các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài, gần đây đang đổ vào Việt Nam để tổ chức các chương trình hội thảo nhằm tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo Việt để nuôi dưỡng. Những ý tưởng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nông sản, tổ chức sản xuất và quản lý trong nông nghiệp được các tổ chức nước ngoài săn đón nhiều nhất, để phục vụ ngay cho DN FDI đang hoạt động ở trong nước và có thể mang ra nước ngoài ghép nối với những ý tưởng khác để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Thực tế, những ý tưởng sáng tạo của những người khởi nghiệp Việt Nam hiện nay rất nhiều, nhưng điểm yếu nhất của họ là thiếu vốn, ngoại ngữ để kết nối với những người cùng ý tưởng với mình trên thế giới để có thể liên kết hiện thực hóa ý tưởng ra sản phẩm kinh doanh. |
Mới đây Quỹ đầu tư tư nhân Fami của Úc đã vào Việt Nam để tìm kiếm và kêu gọi những doanh nhân Việt đến đất nước của họ đầu tư. Theo đó, Quỹ này thu phí mỗi dự án 50.000 đô la Úc trong bốn năm đầu bao gồm cả phí định cư, họ sẽ tìm kiếm những người kinh doanh có cùng ý tưởng kết nối cho các doanh nhân Việt cùng kinh doanh và tận dụng nguồn vốn từ nước ngoài.
Hoặc trước đây Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã từng tài trợ cho OCB và ABBank xây dựng Quỹ hỗ trợ DNNVV để nâng cao năng lực tài chính và khả năng tiếp cận vốn cho loại hình DN này. Khó khăn lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp Việt hiện nay là các ý tưởng sáng tạo chưa được thương mại hóa trên thị trường. Chưa có một chính sách nào đỡ đầu cho những ý tưởng kinh doanh, những công ty định giá tài sản chủ yếu làm về bất động sản. Các ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh cũng chưa có thanh khoản.
Để tạo môi trường tài chính cho cộng đồng khởi nghiệp có vốn hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, Nhà nước có thể tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm với vốn mồi ban đầu. Trên cơ sở đó các NHTM có thể tham gia sâu hơn vào những mô hình quỹ khởi nghiệp này để đầu tư vốn cho DN. Tuy nhiên, quy định hiện hành cũng đang ràng buộc các NHTM không được đầu tư quá 11% vốn tự có vào một tổ chức kinh tế khác. Theo đó, NHNN xem xét nghiên cứu có thể cho phép các NHTM được tham gia thành lập các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Từ đó tạo hành lang pháp lý hỗ trợ DN khởi nghiệp có vốn kinh doanh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng: Ngân hàng không nên trực tiếp đầu tư Hiện nay một số NHTM đã bỏ vốn lập ra quỹ đầu tư khởi nghiệp. Chẳng hạn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TP.HCM (HSIF) đã được các ngân hàng: SHB, OCB và HDBank đầu tư, dự kiến vốn điều lệ giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 100 tỷ đồng. Theo định hướng quỹ này sẽ đầu tư trực tiếp vào các DN hoặc dự án khởi nghiệp khả thi. Tuy nhiên, theo tôi, cách thức đầu tư trực tiếp như vậy sẽ rất rủi ro đối với các NHTM. Bởi nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu là vốn huy động từ người dân và các tổ chức kinh tế. Nếu mang tiền huy động mà đầu tư trực tiếp vào các DN khởi nghiệp thì nguy cơ không thu hồi lại được vốn là rất cao. Bởi tỷ lệ thành công của các ý tưởng khởi nghiệp là khá thấp. Theo tôi các NHTM không nên thực hiện đầu tư trực tiếp như vậy mà chỉ thuần túy đứng ra cho vay vốn, nếu có thể thì xem xét ưu đãi lãi suất đối với các DN, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao và có khả năng thu hồi vốn. Để các NHTM có thể cho vay được thì Chính phủ và các địa phương phải tự tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nguồn tiền của quỹ này có thể huy động từ các DN, các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế. Sau đó quỹ đứng ra trực tiếp đầu tư, cho vay hoặc bảo lãnh cho các DN, dự án khởi nghiệp vay vốn từ các NHTM. Bởi đa số các DN khởi nghiệp vốn chỉ có ý tưởng kinh doanh chứ ít có tài sản thế chấp, nếu không được bảo lãnh vay vốn thì các NHTM rất khó để tính toán hạn mức tín dụng và đương nhiên là dè dặt trong quyết định cho vay.
Th.s Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silion Valley – Bộ KH&CN: Cần thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư vốn mạo hiểm Hiện nay tại Việt Nam có gần 60 quỹ đầu tư đang hoạt động nhưng các quỹ mang tính chất đầu tư vốn mạo hiểm thì chiếm tỷ trọng rất thấp (4/57 quỹ). Những năm tới để khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các DN khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ phải hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo ra một hành lang pháp lý cho mọi quan hệ kinh tế đều vận động theo xu hướng thị trường. Bên cạnh đó, thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư vốn mạo hiểm Việt Nam để kết nối và tập trung các luồng thông tin có giá trị liên quan đến hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm. Để xây dựng nền tảng pháp lý cho hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm, trước mắt Chính phủ cần có những quy định cụ thể hướng dẫn hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm như: phạm vi đầu tư mạo hiểm, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, cơ cấu tài sản đầu tư của các quỹ, quy chế thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong quá trình thực hiện các quy định trên, Chính phủ cần tổ chức riêng một ban quản lý hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm. Khi hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm dần dần phát triển, Nhà nước cần tiến tới ban hành một đạo luật riêng cho hoạt động này. Về lâu dài, Chính phủ nghiên cứu thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu Nhà nước. Các quỹ này thường được thành lập trong giai đoạn sơ khai của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, có thể hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau như: các quỹ thuộc trung ương quản lý, các quỹ địa phương, các quỹ trực thuộc các trường đại học… Khi thành lập các quỹ này Nhà nước nên góp vốn liên kết với các tổ chức tài chính có uy tín nhằm tiếp thu kinh nghiệm quản lý quỹ cho hoạt động đầu tư mạo hiểm của quốc gia. Nhà nước chỉ nên góp vốn cổ phần vào các quỹ này với mục đích tạo dựng niềm tin và khuyến khích đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới, không nên can thiệp sâu vào hoạt động cụ thể của các quỹ liên doanh. Thạch Bình ghi |