Khởi tạo nguồn vốn cho startup Việt
11 Statup lọt vào bán kết Chương trình Vườn ươm khởi nghiệp | |
Startup Việt mong được quan tâm hơn |
Để thúc đẩy DN phát triển
Các nước phát triển như Israel, Hàn Quốc, Singapore… thường tận dụng hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm để cung cấp cho DN khởi nghiệp (startup) vốn mồi, cố vấn từ các nhà đầu tư nhằm giảm tỷ lệ thất bại cho các DN này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng nhà đầu tư hiện nay còn ít và không đủ để hỗ trợ số lượng DN mới ra đời khổng lồ như mục tiêu đặt ra, dù rằng, khởi nghiệp sáng tạo được coi là động lực cho phát triển kinh tế quốc gia.
Startup Việt có nhiều ý tưởng độc đáo |
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang dần được hình thành và hướng tới mục tiêu quốc gia khởi nghiệp với khởi nghiệp sáng tạo là trung tâm. Tuy nhiên, chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016 lại đang chỉ ra một thực trạng buồn: hệ sinh thái khởi nghiệp hầu như chưa cải thiện nhiều so với các năm 2013 - 2014, đặc biệt thấp nhất ở 4 chỉ số là giáo dục kinh doanh sau phổ thông, giáo dục kinh doanh bậc phổ thông, chương trình hỗ trợ của Chính phủ và tài chính cho kinh doanh.
Trong khi huy động vốn cho khởi nghiệp đang là trở ngại lớn nhất vì rủi ro cao, thiếu tài sản đảm bảo, thì dường như kênh phù hợp và hiệu quả nhất từ các định chế tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… lại không nhiều. Việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm đang gặp không ít khó khăn cả về khía cạnh pháp luật cũng như triển khai trên thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều ưu đãi vượt trội từ các quốc gia láng giềng (Singapore, Hồng Kông…) đang hút mạnh các DN startup, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.
Thúc đẩy mạng lưới nhà đầu tư
Trước thực trạng trên, Tổ chức Thúc đẩy kinh doanh VSV Accelerator (thuộc Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam - Vietnam Silicon Valley của Bộ Khoa học - Công nghệ) vừa tổ chức Chương trình VSV Investor Bootcamp với thông điệp “Be Master with VSV – Trở nên chuyên nghiệp hơn cùng VSV” dành cho các nhà đầu tư, lãnh đạo trường đại học, trung tâm ươm tạo DN và các tổ chức thúc đẩy DN.
Ths. Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam chia sẻ, Investor Bootcamp là cần thiết nhằm tạo dựng một mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam, vì đa phần các nhà đầu tư ở Việt Nam chưa biết nhiều về mô hình đầu tư này. Với những người am hiểu về khởi nghiệp thì đây đúng là cơ hội.
Vậy, nhà đầu tư cần chuẩn bị những gì để có một khởi đầu thành công? Nên tìm nguồn startup ở đâu? Làm gì để giúp startup huy động được vốn ở vòng đầu tư kế tiếp? Đối với những tổ chức như trung tâm ươm tạo, khi tham gia chương trình này họ sẽ biết cách lựa chọn các startup tốt hơn, vì thế các startup sẽ tìm được nhà đầu tư tốt hơn.
Đấy cũng là cái đích cho một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Vì vậy, VSV trước hết, muốn xây dựng một cộng đồng các nhà đầu tư trong nước mạnh, rộng khắp để hỗ trợ tốt nhất cho các startup giai đoạn đầu. Giai đoạn mà ý tưởng của nhóm khởi nghiệp được biến thành sản phẩm, để thị trường thử nghiệm, nghiệm thu nên phải được đầu tư kinh phí…
Song song với các hoạt động hỗ trợ xây dựng chiến lược, VSV còn gợi ý các công cụ nhà đầu tư có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi, sáng chế của mình. Bởi cách mạng 4.0 là của tất cả, trong đó có cả các DN siêu nhỏ.
VSV Investor Bootcamp là hình thức “nâng tầm” cho các nhà quản lý vườn ươm để họ trở nên “chuyên nghiệp, thông thái” hơn trong tìm nhà đầu tư có vốn, tìm cố vấn vừa có kiến thức, vừa có tri thức tốt cho các startup thuộc tổ chức của mình.
Hiện có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các startup Việt, nhưng vì là tổ chức nước ngoài nên phải thông qua các cơ sở trung gian là các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Accelerator), và đây cũng là cơ hội tích cực cho việc đón nhận các khoản đầu tư và tăng sự kết nối. VSV Investor Bootcamp đã thu hút 40 học viên, trong đó có 15 tổ chức (hơn một nửa là các vườn ươm).
Hệ sinh thái khởi nghiệp 4.0 với nhiều khái niệm mới mẻ buộc chúng ta phải làm quen. Chính sách hỗ trợ startup, các nhà đầu tư từ đó cũng phải thay đổi theo cho phù hợp, sát với cuộc sống. Đó chính là những lợi ích có được khi chúng ta làm việc cùng nhau, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đồng thời là Phó Trưởng ban Quản lý Dự án 844 đã chia sẻ với các học viên.