Tinh thần khởi nghiệp tăng cao
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Sáu, cả nước có 10.742 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 110,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,9% về số doanh nghiệp và giảm 7,3% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 10,3 tỷ đồng, giảm 5,5%; tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới là 105,6 nghìn người, tăng 8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24%. Nếu tính cả 859,2 nghìn tỷ đồng của 18,1 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1.455,4 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong tháng cả nước còn có 1.921 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,4% so với tháng trước; nâng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên 15.379 doanh nghiệp tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên gần 76,7 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng là 627,3 nghìn người, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên trong tháng 6 cũng có 6.402 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1.729 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 4.673 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 20,1%. Bên cạnh đó, có 758 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20,7%.
Tính chung số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2017 là 5.443 doanh nghiệp, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 17%), trong đó có 5.020 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,2%.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 37.907 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 14.377 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,8% và 23.530 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 24,4%.
Những con số trên cho thấy, tinh thần khởi nghiệp đang tăng lên rất cào sau nhiều nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.
Báo cáo mới đây của Chính phủ cũng ghi nhận, với sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP cùng hàng loạt các giải pháp đồng bộ khác, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Cụ thể, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia, tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng.
Trong khi theo khảo sát của JETRO, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trên 66% doanh nghiệp có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. AmCham đánh giá Việt Nam nổi bật với việc cải thiện lớn về môi trường kinh doanh, có 36% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam (so với 48% ở Indonesia, 21% ở Thái Lan, 19% của Malaysia).
Khảo sát của EuroCham quý 4/2016 cũng cho thấy, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá tốt về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam…