Tạo nền tảng vững chắc cho năm 2019
Tầm nhìn và động lực cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới | |
Vẫn còn lúng túng trong hội nhập kinh tế quốc tế | |
Nền kinh tế đang tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2019 |
Với tăng trưởng, kịch bản giảm tốc dần về cuối năm đã không xảy ra khi mà tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73%của quý II. Điều đó cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng và các động lực tăng trưởng vẫn được duy trì trong 2 tháng gần đây.
Ảnh minh họa |
Chẳng hạn như mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 10,6% của 9 tháng đầu năm, song nguyên nhân một phần cũng bởi sản xuất công nghiệp đã có sự tăng trưởng rất cao trong quý IV năm trước và quý đầu năm nay.
Nhìn sang phía cầu có thể thấy tổng cầu tiếp tục được cải thiện tích cực, cả về đầu tư lẫn tiêu dùng. Theo đó, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong 11 tháng năm 2018 đạt tới 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017; bên cạnh đó còn có 5.882 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,64 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ. Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng cũng đạt4.000,1nghìn tỷ đồng, tăng11,5% so với cùng kỳ nămtrước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,34%, cao hơn so với mức tăng 9,25% của cùng kỳ năm 2017.
Cầu nước ngoài cũng hết sức khả quan, thể hiện qua việc xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng tới 14,4% so với cùng kỳ, đạt 223,63 tỷ USD, qua đó giúp cán cân thương mại thặng dư tới 6,8 tỷ USD, cao hơn nhiều mức thặng dư của cùng kỳ năm trước. Điều đó có nghĩa thương mại quốc tế vẫn đang đóng góp dương vào tăng trưởng chung.
Cũng chính bởi vậy, không ít tổ chức quốc tế như WB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 lên 6,8% thay vì tăng trưởng 6,5% như dự báo đưa ra hồi tháng 4. Nhiều tổ chức trong nước cũng như các chuyên gia kinh tế cũng dự báo tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đề ra. Thậm chí Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn dự báo tăng trưởng năm 2018 có thể đạt tới 7,01%.
Quan trọng hơn là mức tăng trưởng cao này có được trong một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm soát nhiều khả năng sẽ được kiểm soát thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Quốc hội. Nhớ lại những tháng đầu năm áp lực lạm phát tăng cao khiến không ít ý kiến lo ngại khó có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đã đề ra khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã vọt lên tăng 4,67% so với cùng kỳ. Thế nhưng sau đó lạm phát đã dần giảm tốc và hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cụ thể, CPI tháng 11 đã quay đầu giảm trở lại sau nhiều tháng tăng liên tục và mức giảm 0,29% cũng là mạnh nhất so với tháng 11 nhiều năm gần đây. Vì thế tính chung 11 tháng, CPI mới tăng 3,24%; còn so với cùng kỳ năm 2017, CPI tăng 3,46%. CPI bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Có được kết quả này không thể không nhắc tới vai trò của NHNN với việc điều hành hết sức linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lượng tiền cung ứng. Điều đó được thể hiện qua việc lạm phát cơ bản chỉ tăng rất thấp, khoảng 0,1% - 0,2% mỗi tháng. Tính đến tháng 11 lạm phát cơ bản tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 1,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Hiện áp lực lạm phát đã nhẹ hơn rất nhiều khi giá dầu thế giới giảm sâu kéo giá xăng dầu trong nước cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây; và điều đó khiến cho mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở dưới 4% cũng chắc chắn sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, không thể chủ quan khi mà kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường. Hơn thế, nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, cần phải nỗ lực tối đa để đạt được kết quả cao nhất, không chỉ cho năm 2018 mà còn tạo nền tảng vững chắc cho năm 2019.