Vẫn còn lúng túng trong hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập ngày càng sâu rộng
Theo Phó Thủ tướng, một năm trước đây, Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 đã được tổ chức với các vấn đề thảo luận và khuyến nghị tại Diễn đàn là cơ sở quan trọng để Lãnh đạo Chính phủ đưa ra các định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế 2018.
Trong đó, đáng chú ý có Chỉ thị số 26/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế nổi bật.
Chúng ta tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới. Ngày 8/3/2018, Việt Nam và 10 nước đối tác đã ký kết Hiệp định CPTPP. Ngày 12/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua việc phê chuẩn Hiệp định này (với 96,7% đại biểu tán thành). Sự kiện này đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập.
Một sự kiện quan trọng khác là ngày 25/6/2018, Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do giữa hai bên (EVFTA) và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại mới với Cuba. Đàm phán FTA giữa Việt Nam và các nước đối tác như Israel, Khối EFTA trong năm 2018 đã có thêm những tiến triển mới.
Song song với việc đàm phán ký kết các FTA, công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong nước đang được triển khai tích cực, tập trung vào việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2017 về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các bộ, ngành địa phương đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tận dụng cơ hội từ những FTA đã ký kết.
Với những nỗ lực trên, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.
Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều có tốc độ tăng cao so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước, qua đó đã cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.
Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.
Để nâng cao hiệu quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới, ngày 4/9/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc “đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn”.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Chỉ thị trên cùng với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế.
Như vậy, về phía trong nước, Việt Nam vẫn đang tích cực, kiên trì đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở cho hội nhập toàn diện.
Tuy nhiên trong vòng một năm trở lại đây, có thể thấy kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Một số quốc gia trước kia vốn đi đầu trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại nay lại trở thành yếu tố ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống thương mại đa phương nói riêng và của cả quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trên toàn thế giới nói chung. Đặc biệt đáng lưu ý là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ với một số đối tác, đặc biệt với Trung Quốc vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường.
Những sự kiện, diễn biến trên đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần phải sớm có những phân tích, dự báo và động thái chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay…