Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào thiểu số
Tiếp sức để thoát nghèo ở Hà Tĩnh | |
Lắng nghe tâm tư người dân huyện nghèo |
Chiếm hơn 50% số hộ còn dư nợ
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2007 - 2017) thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai vừa diễn ra mới đây tại thành phố Pleiku do UBND tỉnh Gia Lai chủ trì tổ chức, các đại biểu đánh giá cao tín dụng chính sách đã tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc NHCSXH phát biểu tại hội nghị |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho biết, là tỉnh nghèo miền núi ở Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có điểm xuất phát thấp, chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất thấp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực nông thôn và đồng bào DTTS còn lạc hậu.
Song với sự nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội, các chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai có hiệu quả, giúp hộ đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Theo NHCSXH Gia Lai, đến ngày 31/3/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 4.046,6 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2007. Các hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, cụ thể có 80.105 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang còn dư nợ, chiếm 50,12% số hộ dư nợ tại NHCSXH, với dư nợ là 1.890,6 tỷ đồng, chiếm 46,72% tổng dư nợ, dư nợ bình quân hộ DTTS đạt hơn 26,66 triệu đồng/hộ.
Đồng vốn ưu đãi của NHCSXH có ý nghĩa quan trọng với nhiều hộ vay, nhất là với chị em phụ nữ người đồng bào DTTS. Theo bà Rchăm HHồng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai, nhờ các chính sách tín dụng ưu đãi mà hội viên phụ nữ DTTS đã mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn, được hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều hộ hội viên là người DTTS vay vốn của NHCSXH vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi có thu nhập hằng năm từ 100 đến 200 triệu đồng. Tín dụng chính sách bước đầu đã làm thay đổi nhận thức tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đơn cử như hộ vay vốn Ksor H Ayết ở làng Klăh 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Chia sẻ tại hội nghị, bà Ksor H Ayết cho biết, với đồng vốn ít ỏi của gia đình và vay của NHCSXH huyện năm 2013 là 10 triệu đồng và món vay tiếp theo từ chương trình hộ mới thoát nghèo 30 triệu đồng vào năm 2016, hiện nay gia đình bà đã có 800 cây cà phê kinh doanh, 3 sào lúa, 1 con heo nái, 12 con heo thịt. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình bà Ksor H Ayết đến thời điểm này đã trừ chi phí là 100 triệu đồng/năm và mua sắm được nhiều tiện nghi trong nhà.
“Tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các cấp hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, làng và NHCSXH đã có những chính sách ưu việt cho hộ nghèo đồng bào, giúp chúng tôi có cuộc sống ấm no, bình đẳng với mọi người trong xã hội”, bà Ksor H Ayết xúc động.
Chặn “tín dụng đen”
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những thành công mà chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS mang lại, thì khu vực này vẫn còn những khó khăn trong việc triển khai tín dụng. Đó là trình độ dân trí chưa đồng đều và còn thấp; một số xã không còn quỹ đất sản xuất để thực hiện cho vay đối với những hộ có nhu cầu vay để cải tạo đất sản xuất.
Vì thế, giai đoạn tới Chính phủ cần duy trì nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho tín dụng chính sách và chuyển nguồn vốn kịp thời cho NHCSXH để chủ động cho vay theo chương trình của Chính phủ.
Đồng tình với những điều này, ông Nguyễn Văn Lý – Phó tổng giám đốc NHCSXH cho rằng, để chính sách tín dụng cho hộ đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả và đồng đều thì NHCSXH tỉnh Gia Lai cần tập trung chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt Chỉ thị 40-CT/TW.
Đặc biệt là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; ưu tiên tập trung vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhằm đảm bảo 100% nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đủ vốn phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Lý cũng yêu cầu, NHCSXH Gia Lai phải tăng cường việc quản lý, theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ và chú trọng thực hiện chương trình cho vay theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thường xuyên củng cố hoạt động Tổ tiết kiệm, vay vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phiên giao dịch tại xã.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho rằng, những kết quả hoạt động tín dụng chính sách đã đem lại trên địa bàn tỉnh là rất tích cực, đồng thời khẳng định chính quyền địa phương sẽ luôn đồng hành cùng NHCSXH để dành ưu tiên tối đa trong phạm vi nguồn lực cho phép để giúp đồng bào DTTS tiếp tục vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp tỉnh Gia Lai quyết liệt xử lý và ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” len lỏi trong vùng đồng bào DTTS; chủ động phân công các thành viên Ban đại diện HĐQT tăng cường kiểm tra giám sát vốn vay tại cơ sở, không để nợ quá hạn phát sinh...
Ông Nguyễn Văn Cư – Giám đốc NHNN tỉnh Gia Lai cho rằng, nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã tạo điều kiện cho người dân ở địa bàn nông thôn đầu tư phát triển kinh doanh, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm 3-4% là đã rõ. Đồng thời, cũng góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn, nhất là vùng DTTS. Bởi “tín dụng đen” lâu nay đã trở nên nhức nhối ở khu vực nông thôn.
Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng lúc kinh tế khó khăn để cho vay không thế chấp, cho vay lãi nặng đối với nhiều hộ dân nghèo dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con, có hộ phải gán nhà, bán đất, không còn phương tiện sản xuất rơi vào nghèo đói”, ông Cư tâm tư và cho biết, hiện các địa phương vẫn chưa có thống kê cụ thể số hộ vay “tín dụng đen”.
Đồng thời, ông Cư cũng đưa ra nhiều giải pháp hạn chế “tín dụng đen” như: Tăng cường đầu tư nguồn vốn và tăng tiền cho vay; Chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền tác hại của “tín dụng đen” để dân phòng tránh; Phía NHCSXH kịp thời thông tin về các chương trình tín dụng cho dân nắm bắt, tiếp cận vốn vay dễ dàng…
Vốn tín dụng chính sách tại Gia Lai đã góp phần giúp cho hơn 203 ngàn hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 95 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 20.578 lao động, trong đó có 591 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 4.856 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 9.258 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng 29.446 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... |