Lắng nghe tâm tư người dân huyện nghèo
Tư vấn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội | |
Vốn ưu đãi xóa nghèo |
Tín dụng ưu đãi tiếp thêm động lực
Để có cái nhìn tổng thể về các chương trình cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và triển khai Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, mới đây đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Trung ương đã có chuyến khảo sát và làm việc tại hai huyện nghèo là Mường Tè và Nậm Nhùn (Lai Châu).
Đoàn công tác của NHCSXH Trung ương làm việc với lãnh đạo xã Bum Nưa, huyện Mường Tè |
“Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách thì sự quan tâm của huyện ủy, chính quyền và các hội đoàn thể địa phương trong việc đưa ra giải pháp, hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo cũng rất quan trọng” – Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chia sẻ với lãnh đạo chủ chốt của huyện Mường Tè và Nậm Nhùn.
Qua khảo sát thực tế đang diễn ra tại 2 huyện nghèo theo Quyết định 30a cho thấy, nếu có ý thức vươn lên thì việc thoát nghèo cũng không quá gian nan và có những hộ đã “ghi điểm” với các lãnh đạo của NHCSXH.
Chẳng hạn như hộ ông Lý Văn Hợp – bản Nà Hẻ, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè từng vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH năm 2012 và nay cuộc sống gia đình ông đã thay đổi.
“Gần 6 năm về trước, sau khi nhận tiền vay tại Điểm giao dịch xã gia đình tôi đã mua ngay 1 con trâu và con lợn sinh sản. Gia đình tôi được cán bộ tổ chức Hội và Tổ trưởng Tổ TK&VV đến kiểm tra và hướng dẫn cách tiêm phòng bệnh, cách chăn thả” – ông Hợp kể với đoàn công tác.
Đến nay gia đình ông Hợp đã có tài sản là 3 con trâu, 5 con lợn sinh sản và gần 30 con lợn thịt. Nhờ có đồng vốn NHCSXH cho vay hiện nay gia đình ông Hợp đã thoát nghèo cải thiện được đời sống sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là đã mua sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh…
Bà Vàng Thị Thảnh – Chủ tịch UBND xã Bum Nưa chia sẻ, đến nay xã có 104 hộ đã thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 13,88%. Nhưng tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã vẫn còn 100 hộ, hộ cận nghèo là 50 hộ, chiếm tỷ lệ 6,68%. “Những khó khăn trong công tác ủy thác vẫn còn, như một bộ phận nhân dân còn có tính ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chất lượng tín dụng ủy thác chưa đồng đều, một số tổ chức Hội nhận ủy thác chưa sâu sát, chưa chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát” – vị nữ Chủ tịch xã tâm tư.
Với dư nợ của một xã vùng nghèo mà đạt trên 29 tỷ đồng, trên 2.380 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn là tương đối khá. Tuy nhiên, theo lãnh đạo chính quyền xã Bum Nưa, tới đây vẫn muốn mở rộng cho vay và đề nghị NHCSXH Trung ương quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay, để duy trì và mở rộng việc làm cho nhân dân, đầu tư các phương án sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập.
Xét thấy sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Bum Nưa trong triển khai cho vay ủy thác thời gian qua, nhất là ý thức sử dụng vốn vay của người dân, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã công bố NHCSXH sẽ chuyển thêm 3 tỷ đồng nguồn vốn để giải ngân tại xã, giúp bà con có vốn, tạo động lực để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những tràng pháo tay thể hiện sự vui mừng của người dân Bum Nưa sau công bố của Tổng giám đốc NHCSXH cho thấy, nguồn vốn tín dụng thực sự có ý nghĩa và đã đóng góp rất quan trọng với sinh kế của các hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Rời xã Bum Nưa, Mường Tè, đoàn công tác của NHCSXH tiếp tục đến xã Mường Mô của huyện Nậm Nhùn. Đây là xã có tới 9/10 bản tái định cư để thực hiện xây dựng thủy điện Lai Châu. Điều kiện đất đai khó khăn khi có trên 98% đất lúa ruộng đã bị ngập. Phần lớn nhân dân đang sống vào tiền trợ cấp của nhà nước sau tái định cư, việc xác định mưu sinh sau khi hết chính sách hỗ trợ tái định cư là bài toán nan giải.
Đặc biệt, hiện nay mới chỉ có 51% số hộ trong xã được vay vốn, dư nợ gần 13,5 tỷ đồng. Điều quan trọng và cũng là trách nhiệm của chính quyền, các hội đoàn thể ở xã Mường Mô là phải đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội; nhân rộng các điển hình vay vốn làm ăn hiệu quả.
Như hộ ông Điêu Văn Sương - ở Bản Mường Mô 1, xã Mường Mô mà đoàn công tác của NHCSXH đến thăm. Xuất phát điểm với 50 triệu đồng vay chương trình hộ nghèo của NHCSXH vào cuối năm 2014, gia đình ông Sương đã dồn tiền mua một chiếc máy xay xát gạo và một con trâu sinh sản. Đến nay, gia đình ông đã có 3 con trâu, còn chiếc máy xay xát không chỉ sử dụng cho gia đình mà còn đáp ứng nhu cầu của bà con trong xã để kiếm thêm thu nhập.
“Vào những lúc nhàn rỗi, tôi còn đi đánh bắt cá ở lòng hồ, có hôm được 10 kg, tăng thu nhập và đời sống gia đình, có tiền nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn” – ông Sương nói giọng tự hào.
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng thăm hộ vay vốn ông Điêu Văn Sương, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn |
Muốn được vay với lãi suất thấp hơn
Khi làm việc với đoàn NHCSXH, lãnh đạo các huyện Mường Tè và Nậm Nhùn đều khẳng định: Thời gian qua đảng ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội đoàn thể đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Hệ thống NHCSXH tại các huyện vào cuộc rất tích cực, thủ tục vay vốn đơn giản, các cán bộ tín dụng không quản ngại khó khăn. Thậm chí có xã như Thu Lũm, huyện Mường Tè, cách trung tâm huyện tới 120 km, hôm nào trời mưa phải di chuyển 5 tiếng mới tới nơi, song các cán bộ ngân hàng không nề hà việc cắm bản 2 ngày để phục vụ công tác giải ngân, thu nợ, thu lãi.
Tuy nhiên, do là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn trong khi đó nguồn lực đầu tư của tỉnh có hạn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên công cuộc xóa nghèo bền vững không thể một sớm, một chiều.
Ông Trần Đức Hiển – Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Mường Tè cho rằng, trình độ dân trí một số vùng trên địa bàn huyện còn thấp, tập quán sản xuất lạc hậu, nhiều hủ tục chi phối đời sống nhân dân; những năm qua tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Sản phẩm sản xuất nhỏ lẻ, khó tiêu thụ, dẫn đến lợi nhuận thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của huyện nghèo, theo ông Hà Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Nậm Nhùn, đó là công tác tuyên truyền vận động vay vốn phát triển sản xuất còn hạn chế, một số hộ dân ở bản vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn chưa mạnh dạn vay vốn. Nhiều người còn thiếu cả chứng minh nhân dân, gây khó khăn trong quản lý và triển khai thực hiện các chương trình cho vay.
Tiếp lời ông Sơn, bà Lại Thị Huế - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Nhùn cũng tâm tư: Có trường hợp hộ vay vốn về nhưng khi cán bộ hỏi người vay sẽ sử dụng vốn làm gì thì họ lúng túng. Chính vì vậy, ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ bám sát với địa chỉ của từng hộ nghèo, giúp họ có phương án sản xuất thoát nghèo. Nhưng về mặt nguồn vốn rất mong NHCSXH có cơ chế đặc thù riêng với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mở thêm cơ hội cho họ thoát nghèo bền vững.
Lãnh đạo 2 huyện nghèo cũng kiến nghị: NHCSXH xem xét bố trí nguồn vốn cho vay lãi suất thấp hơn để phát triển các mô hình chăn nuôi, phát triển nông nghiệp tập trung cho các DN, hợp tác xã trên địa bàn; nâng mức cho vay làm nhà ở theo Quyết định 33/QĐ-TTg từ 25 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ; nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên 12 triệu đồng/công trình; đồng thời xem xét nâng mức chi hoa hồng cho Tổ trưởng Tổ TK&VV hoạt động tại các xã thuộc vùng khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Đoàn công tác của NHCSXH khẳng định, với nhiệm vụ của mình, ngân hàng không chờ người vay đến mà luôn chủ động tìm người vay, song cũng phải xác định rõ nhu cầu, nguồn lực cần bao nhiêu thì mới bố trí, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích.
Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH sẽ cùng phối hợp với Ủy ban Dân tộc để trao đổi và kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
“Các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đoàn công tác NHCSXH đã tiếp thu. Nội dung nào thuộc thẩm quyền giải quyết của NHCSXH, chúng tôi nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Nội dung thuộc thẩm quyền cao hơn, NHCSXH sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” – ông Thắng chia sẻ.