Tạo vòng khép kín cho dịch vụ ngân hàng
Thay đổi phương thức “tiêu tiền” | |
Giảm một đồng tiền mặt có 6 đồng vốn cho vay | |
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Việt Nam sẽ sớm đạt mục tiêu |
Trong môi trường thanh toán ngày càng hiện đại, nhiều khách hàng cho rằng các sản phẩm thanh toán của ngân hàng cần có thêm nhiều liên kết hơn với hệ thống sàn thương mại điện tử lớn. Bởi chỉ có tăng tính kết nối thì mới có thể tạo được hệ sinh thái khép kín, người tiêu dùng mới thực sự có lợi trong việc sử dụng dịch vụ tài chính.
Thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang xồng xộc tiến vào mọi ngõ ngách cuộc sống, ứng dụng công nghệ số làm biến đổi mọi lĩnh vực, trong đó có các NHTM, định chế tài chính, buộc họ phải có sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Không chỉ phải tin học hóa các quy trình kinh doanh cốt lõi mà còn phải liên tục đưa nhiều ứng dụng mới nhằm mang đến những trải nghiệm hiện đại về dịch vụ tài chính ngân hàng.
Về phía người tiêu dùng, nhờ công nghệ mà khách hàng có thể tương tác với ngân hàng bằng nhiều cách, ngoài gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch, còn có thể qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh để được đáp ứng tất cả các nhu cầu dịch vụ tài chính, ngân hàng từ đơn giản như quản lý tài khoản, nhận - chuyển tiền, tới các nghiệp vụ phức tạp như yêu cầu vay, phát hành thư tín dụng, bảo lãnh…
Ngân hàng cần có thêm liên kết với các ngành hàng để khép kín dịch vụ |
Giờ đây, mở tài khoản ngân hàng chưa bao giờ được đáp ứng nhanh đến thế với dịch vụ mở tài khoản trực tuyến trên MyVIB của NHTMCP Quốc tế (VIB) chỉ trong vòng 3 phút với 2 bước đơn giản: vào website chính thức tại www.vib.com.vn, đăng ký mở tài khoản; Ra chi nhánh để kích hoạt tài khoản. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã có Internet Banking để có thể chuyển tiền nhanh - liên ngân hàng chỉ trong vòng 5 phút, đặc biệt hơn chuyển tiền nội mạng VIB miễn phí. Với ứng dụng MyVIB, bạn có thể an tâm thanh toán nhiều loại hóa đơn cùng một lúc: hóa đơn tiền điện, nước, Internet… nhờ tự động thông báo hóa đơn đến hạn, bằng một vài thao tác đơn giản, lại tiết kiệm thời gian xếp hàng, di chuyển trên đường… Cuộc sống ngày càng bận rộn, trải nghiệm tiện ích vượt trội của ngân hàng, tại sao không!
Dành sự chăm sóc cho DN, NHTMCP Tiên Phong - TPBank vừa ra mắt phiên bản TPBank eBank BIZ version 3.0, cho phép khách hàng thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng từ các thiết bị điện tử, được bổ sung nhiều tính năng mới như xác thực bằng chữ ký số, chuyển tiền quốc tế, đề nghị cấp tín dụng, bảo lãnh, mở L/C. Phiên bản eBank BIZ v3.0 là kết quả từ các phản hồi của khách hàng, vừa đơn giản vừa thuận tiện trong các giao dịch trực tuyến mà không phải di chuyển nhiều, đại diện của TPBank khẳng định.
Một kiểu tăng tương tác khác nhằm hỗ trợ kết nối thân thiện và nhanh nhất với khách hàng, đó là NHTMCP Quân đội (MB) chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dịch vụ tài chính, với tên gọi eMBee Fanpage Facebook - kênh giao dịch tài chính qua Fanpage đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Chỉ bằng thao tác “chat” với eMBee, khách hàng có thể thực hiện được các giao dịch tài chính ngân hàng một cách dễ dàng, đơn giản thuận tiện, tức thì, 24/7 khi sử dụng thiết bị di động/máy tính có kết nối Internet và truy cập Facebook, bao gồm: tra cứu số dư; chuyển tiền; gửi tiết kiệm; mua chứng chỉ quỹ; mua bảo hiểm; vay vốn. Đưa vào ứng dụng eMBee Fanpage kỳ vọng sẽ giúp MB đón đầu những cơ hội tiếp cận thêm nhiều nhóm đối tượng khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, những người yêu công nghệ, muốn trải nghiệm giao dịch tài chính hiện đại và khác biệt.
Ứng dụng kỹ thuật số đang dần thay thế các phương thức thanh toán truyền thống càng đẩy nhanh tiến trình thay đổi nhận thức và thói quen của người dân về sử dụng tiền mặt trong thanh toán theo hướng ngày càng có nhiều người chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng dùng tiền mặt.
Một số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 40% dân số ở độ tuổi trưởng thành, hơn 60% người dân đang sống ở nông thôn và chỉ 21% trong đó có tài khoản thanh toán, nhưng tỷ lệ người dân tiếp cận thiết bị di động thông minh và có sử dụng Internet khá cao so với thế giới đưa Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính-ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng số.
Theo đó, các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, Tablet Banking, Social Media đang trở thành xu thế lấn át, tiến đến thay thế kênh phân phối truyền thống như: chi nhánh/phòng giao dịch, ATM/POS, Home Banking, Call Centers. Dự báo đến năm 2020, hầu hết các hoạt động dịch vụ sẽ được xử lý online, qua smartphone.
Các chuyên gia cũng cảnh tỉnh rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng sẽ khiến chi phí tăng nhưng đi kèm với nó cũng khiến lợi nhuận ròng tăng. Đáng chú ý, chi phí cho một giao dịch điện tử chỉ bằng khoảng 1/10 so với chi phí cho một giao dịch truyền thống tương tự. Nếu ngân hàng Việt biết cách khai thác, hiệu quả mang lại có thể rất lớn do dịch vụ bán lẻ của ngân hàng Việt còn quá tiềm năng.
Nhận thấy xu hướng chi tiêu qua thẻ đang tăng lên mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, lập tức lọt “tầm ngắm” của các nhà đầu tư tài chính đến từ Hàn Quốc. Không phải bỗng dưng liên tiếp các thương vụ mua lại ngân hàng, công ty tài chính tại Việt Nam đều từ các nhà đầu tư Hàn Quốc như Shinhan Bank mua lại thành công mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam trong số sáu ngân hàng tham gia tìm hiểu thương vụ.
Tập đoàn Lotte tiếp tục góp mặt vào thị trường thẻ tín dụng Việt Nam cùng với việc mua lại Techcom Finance… càng chứng tỏ cho vay tiêu dùng là thị trường tiềm năng, đem lại nguồn lãi ngàn tỷ cho các công ty tài chính trên thị trường Việt Nam, khi nhìn vào FE Credit. Trở thành công ty tài chính Hàn Quốc đầu tiên được trao quyền phát hành thẻ tín dụng tại Việt Nam, Lotte Card, hay Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), Woori Bank Việt Nam, Daegu Bank, KEB Hana, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, Nonghyup, Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc… liệu có lấn lướt thị phần bán lẻ của các ngân hàng trong nước?
Tuy nhiên, phân khúc dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam - nơi sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ không có nhiều điểm khác biệt, để thống lĩnh thị trường, khác biệt không là không đủ, mà phải đi kèm hệ thống giao dịch phân bố rộng khắp, tăng mức độ tiện lợi để dễ dàng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhanh nhất mọi nhu cầu của khách.
Quan trọng hơn, theo các chuyên gia thương hiệu, với sự hội nhập ngày càng sâu của DN nước ngoài, DN Việt cần sở hữu không chỉ các sản phẩm thanh toán mà cả hệ thống sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp một hệ sinh thái sản phẩm hoàn chỉnh mới mong thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng.