Thay đổi phương thức “tiêu tiền”
Kinh tế không tiền mặt: Giải pháp cho tương lai gần | |
Phát triển đồng bộ giải pháp TTKDTM | |
Từ ví điện tử nhìn về thanh toán không dùng tiền mặt |
“Đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán khi mua hàng, 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ thu ngân sách Nhà nước…” - Đó là những chỉ tiêu cụ thể được đặt ra trong Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ NH qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020 của NHNN, thực hiện Quyết định số 2545/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Đến năm 2020, siêu thị sẽ ngày càng vắng bóng tiền mặt |
Theo thông tin của Vụ Thanh toán (NHNN), hết quý II/2017 số lượng thẻ đã phát hành luỹ kế là 121,5 triệu thẻ. Với hơn 95 triệu dân, số lượng thẻ, có thể nhẩm tính trung bình cứ một người dân sở hữu 1,3 thẻ NH.
Chỉ cách đây vài năm, TTKDTM còn là cụm từ tương đối mới mẻ với một bộ phận không nhỏ người dân. Nhưng càng ngày, chính sự hiện đại, tiện lợi, an toàn và hiệu quả của phương thức “tiêu tiền” này khiến nhận thức của dân chúng về thanh toán và thói quen tiêu tiền mặt đang có sự thay đổi rõ rệt. Báo cáo tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm của ngành NH, NHNN cho biết trong hoạt động thanh toán, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần. Từ 19,02% (2005) xuống 14,02% (2010) và đến thời điểm 31/12/2016 là 11,49%. Nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người dân chọn hình thức TTKDTM thay cho thanh toán bằng tiền mặt.
Trao đổi với lãnh đạo một NHTM, vị này cho rằng NH có triển khai được các giải pháp thanh toán hiện đại, đẩy mạnh thanh toán qua POS, mPOS… mà thói quen của bản thân mỗi người dân không thay đổi thì cũng không mang lại hiệu quả. “Quan trọng nhất ở đây là phải khiến cho người dân Việt Nam hiểu hơn về TTKDTM, về những lợi ích mang lại khi tiếp cận và sử dụng hình thức thanh toán này”, vị này chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ sở hạ tầng thanh toán của Việt Nam hiện nay đã có những sự thay đổi tương đối tích cực, cơ bản đáp ứng và đẩy mạnh TTKDTM, thanh toán qua thẻ.
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển, hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán, giải pháp đặt ra là mỗi nhà băng sẽ phải có những đầu tư nhất định để phát triển và mở rộng thêm những tiện ích, sản phẩm, ứng dụng phục vụ cho nhu cầu thanh toán của khách hàng. Cụ thể như việc áp dụng các công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi trong đó bao gồm thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chip, thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC/MST, thanh toán qua QR Code… Hay việc sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS dùng chung, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác.
Một trong những điểm vô cùng quan trọng để thúc đẩy thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ, theo NHNN, là khuyến khích các tổ chức không phải NH đẩy mạnh sự liên kết và phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đầu tư, phát triển, quản lý, vận hành, cung ứng dịch vụ thuê ngoài hạ tầng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý.
Một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận giữa tháng 9 vừa qua là Công ty Điện tử Samsung Vina và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) ra mắt giải pháp thanh toán di động Samsung Pay dành cho các khách hàng là chủ thẻ của các NH Việt. Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng cũng cho rằng, việc hợp tác với Samsung Vina sẽ giúp cho các NH và NAPAS tiết kiệm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tốc độ triển khai cũng như đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ thanh toán theo xu hướng công nghệ di động trên toàn cầu.
Còn tuần qua, CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) và NH Woori Việt Nam cũng đã ký hợp tác cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác, cung cấp ba dịch vụ kết nối giữa NH và trung gian thanh toán là dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến.
Hiện đại, nhưng phải đi cùng với an toàn. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán cũng là yêu cầu được cơ quan quản lý đặt ra. Thông qua việc áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến như tiêu chuẩn thẻ chip, 3D Secure, xác thực sinh trắc học, sử dụng QR Code, Tokenization… phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán. Ngay trong tháng 10 này, TPBank cho biết sẽ thử nghiệm thành công và đưa ra ứng dụng thanh toán mới bằng QR code với tên gọi TPBank QuickPay.
Tính đến nay, có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. |