Thách thức quản lý trong CMCN 4.0
Không để CMCN 4.0 bỏ rơi người nghèo | |
Ngành Ngân hàng và cuộc CMCN 4.0: Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo đột phá | |
Tiên phong bắt kịp 4.0, ngân hàng cần hành lang pháp lý |
Vô vàn thách thức
Dù dự báo mang lại nhiều cơ hội lớn, nhưng CMCN 4.0 cũng đang đặt ra vô số thách thức lớn cho ngành Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Trong đó, một trong những thách thức lớn hiện nay là việc nghiên cứu đánh giá, xây dựng quy định và quản lý những sản phẩm, ứng dụng công nghệ số sao cho “kín kẽ, đầy đủ”.
Theo các chuyên gia, sự thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định, thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành gây trở ngại lớn trong việc xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành Ngân hàng.
Điển hình như việc áp dụng công nghệ nhận dạng chữ viết (OCR) trong định danh khách hàng. Tại các nước phát triển, giải pháp này có thể được triển khai dễ dàng do ứng dụng nhận dạng OCR chỉ cần đọc các ký tự, hình ảnh trên CMND khách hàng, với một mẫu đồng bộ. Trong khi đó tại Việt Nam, ứng dụng này cần nhận biết ba loại giấy tờ xác định danh tính khác nhau (bao gồm CMND cũ 9 số, CMND mới 12 số và Căn cước công dân 12 số) với bố cục, mẫu thiết kế đặc trưng, và thay đổi tùy theo giai đoạn.
Như vậy, trước khi đề ra quy định cho phép ứng dụng giải pháp định danh khách hàng từ xa, cơ quan quản lý Nhà nước phải cân nhắc đến khả năng áp dụng với tình trạng hồ sơ khách hàng còn “muôn hình vạn trạng” hiện nay.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới cho NHNN trong việc xây dựng các khuôn khổ chính sách để quản lý, giám sát những yếu tố mới như tiền điện tử (E-money), công nghệ tài chính (Fintech)... Với tốc độ phát triển chóng mặt của các công nghệ mới, mang tính đột phá và có thể thay đổi cấu trúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể đưa ra quyết định tức thời về hành lang pháp lý phù hợp, do phải xét đến nhiều yếu tố rủi ro đặc thù với những ứng dụng mới. Nổi bật là rủi ro gia tăng nợ xấu, tội phạm rửa tiền...
Hay việc xây dựng quy định và quản lý thế nào khi ngày càng có nhiều công ty Fintech phát triển giải pháp trong lĩnh vực thanh toán, tín dụng, định danh khách hàng, hay áp dụng công nghệ chuỗi khối với bản chất phi tập trung, một cách tự phát, thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành cũng là vấn đề cần đặt ra. Như đã có những ý kiến đưa ra, trong khi các định chế tài chính và các dịch vụ tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn hệ thống thì các quy định pháp lý đối với Fintech ở Việt Nam còn chưa đầy đủ và do đó có thể tạo ra một sân chơi không công bằng.
Hơn nữa, tính chất toàn cầu và không biên giới của Fintech đòi hỏi cần nâng cao sự hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin về những đổi mới dịch vụ tài chính trên thị trường thế giới giữa các quốc gia. Dù các nước đều muốn hướng đến áp dụng phù hợp với các quy định luật pháp/ chuẩn mực quốc tế chung nhưng việc nghiên cứu, cân nhắc và lựa chọn mới chỉ đang diễn ra và còn nhiều quan điểm khác biệt.
Một vấn đề cấp thiết khác trong việc quản lý các hoạt động Fintech tại Việt Nam cũng như trên thế giới là bảo mật thông tin khách hàng. Trong khi các DN công nghệ, ngân hàng có nhu cầu tìm hiểu và chia sẻ thông tin khách hàng ngày càng lớn thì quyền truy cập và quản lý những thông tin này như thế nào, cần được chấp thuận bởi khách hàng ra sao để tránh bị lợi dụng, bị rủi ro tấn công tin tặc hay vi phạm về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân cũng là những vấn đề cần giải quyết.
Đối mặt và vượt lên
Không chỉ dừng lại ở những thách thức nêu trên, cơ quan quan lý còn phải đối mặt với hàng loạt các thách thức khác như điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh tiền điện tử ngày càng được sử dụng và chấp nhận rộng rãi trên thế giới (đặc biệt là việc NHTW sẽ gặp khó khăn hơn trong kiểm soát lượng cung tiền của nền kinh tế trong trường hợp tổ chức phát hành tiền điện tử là các định chế tài chính phi NH tại nước ngoài). Hay bên cạnh đó là thách thức trong việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro trong thanh toán và an toàn hoạt động toàn hệ thống trong xu hướng các hoạt động tài chính phi ngân hàng/ngân hàng ngầm ngày càng phát triển. Thách thức trong việc chuyển đổi hoạt động thanh tra giám sát từ chủ yếu dựa trên thanh tra tại chỗ sang thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro dựa vào việc giám sát từ xa trên nền tảng công nghệ mới như điện toán đám mây hay phân tích dữ liệu lớn…
Trước các thách thức như vậy, ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều dấu mốc quan trọng trong công cuộc cải cách công nghệ nhằm thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Như về mặt định hướng chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020; Xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện… Về nguồn lực, NHNN đã thành lập Hội đồng Thanh toán và Công nghệ; Thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech… nhằm cập nhật các xu hướng công nghệ mới cũng như tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý cho các công ty Fintech.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, để ngành Ngân hàng có thể đón đầu các làn sóng công nghệ, phát triển môi trường Fintech một cách bền vững và bắt kịp tốc độ phát triển quốc tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, các NHTM và các công ty công nghệ. Dựa trên những đánh giá về thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ngành Ngân hàng có thể triển khai theo ba giai đoạn để kiến tạo môi trường phát triển phù hợp với các công nghệ mới trong cuộc CMCN 4.0, bao gồm: thành lập tổ tham vấn, tổ chức thí điểm hoặc thiết lập môi trường thử nghiệm (sandbox) cho các ứng dụng công nghệ mới và xây dựng hành lang pháp lý. Xuyên suốt ba giai đoạn này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nắm vai trò chủ chốt, là đơn vị giám sát, điều phối nguồn lực và các đơn vị tham gia, và giải quyết tranh chấp, khúc mắc tồn đọng.
Trong đó, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tổ chức thí điểm hoặc thiết lập môi trường thử nghiệm (giai đoạn hai). Bởi mô hình sandbox sẽ vừa giúp những công nghệ mới mang tính đột phá có thể được đưa vào thử nghiệm một cách hiệu quả, nhanh chóng trong môi trường độc lập, đồng thời cũng giúp “khoanh vùng” để quản lý, giúp tránh được những ảnh hưởng phức tạp và rủi ro tiềm ẩn phá vỡ quy định hiện hành. Trong trường hợp kết quả thử nghiệm cho thấy cần có sự điều chỉnh, bổ sung hành lang pháp lý, cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ có đầy đủ cơ sở thông tin hơn trong thuyết phục và phối hợp cùng các bộ, ban, ngành liên quan thiết kế ra những quy định phù hợp.
Để tiếp tục đối phó với thách thức, tận dụng cơ hội và vượt lên trong CMCN 4.0, bên cạnh việc tập trung nghiên cứu để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm mới thì đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng cơ chế quản lý giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các chuẩn mực chung, thông lệ tốt của thế giới. Ngoài ra, việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT chung của quốc gia nhằm ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 cũng là vấn đề cấp thiết hiện nay.