Thanh toán qua ví điện tử khó hoàn thuế
Vietcombank hợp tác triển khai dịch vụ ví điện tử Payoo | |
Mở rộng dịch vụ nạp/rút ví điện tử từ kênh ứng dụng ví điện tử của VED | |
Vietcombank: Dễ dàng nạp rút tiền từ ví điện tử Zalo Pay |
Dịch vụ thanh toán qua các loại ví điện tử tại Việt Nam bắt đầu phát triển khá mạnh. Theo thống kê, đến cuối năm 2016, trên thị trường có khoảng 20 DN cung cấp các dịch vụ ví điện tử, chia thành 3 nhóm chính.
Nhóm đông nhất là các nhóm DN phát triển ví điện tử nhằm hỗ trợ các hệ sinh thái có sẵn như: ví FPT hỗ trợ khách hàng Sendo.vn; ví 123Pay của VNG phục vụ khách hàng Zingme, ZingMP3… Nhóm thứ hai là nhóm các NHTM phát triển các dòng sản phẩm ví điện tử để phục vụ hoạt động thanh toán như: ví Timo của VPBank, ví Meed của MaritimeBank, ví Việt của LienVietPostBank… Nhóm thứ ba là nhóm các công ty công nghệ (fintech) phát triển ví độc lập, liên kết với các NHTM làm trung gian thanh toán cho các công ty khác (ví dụ như ví Momo của M_Service, Payoo).
Tính đến cuối năm 2016, số lượng ví điện tử được phát hành ra thị trường ước khoảng trên 3 triệu ví. Giá trị thanh toán qua ví điện tử dù không được thống kê chi tiết nhưng ước cũng đang chiếm một tỷ lệ khá lớn trong 3,6 tỷ USD được thanh toán bằng hình thức điện tử tại Việt Nam.
Một số DN nhỏ gần đây sử dụng ví điện tử để thanh toán các hóa đơn mua hàng phản ánh đến cơ quan thuế cho rằng việc dùng ví điện tử để thanh toán rất tiện lợi và rút ngắn được thời gian và chi phí cho DN. Tuy nhiên, việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) từ các thanh toán qua ví điện tử đang không thực hiện được.
Cụ thể, ông Vũ Thành Long, đại diện một DN tại TP.HCM, cho rằng hiện nay Thông tư 173/2016 của Bộ Tài chính mặc dù thừa nhận “chứng từ thanh toán qua ví điện tử là một loại chứng từ thanh toán qua ngân hàng” nhưng lại chưa hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong việc hoàn thuế thanh toán qua ví điện tử. Vì không có hướng dẫn Thông tư 173/2016 nên các DN muốn hoàn thuế phải thực hiện theo các quy định tại Công văn 5806/2014 của Tổng cục Thuế. Theo đó, phải có giấy xác nhận của tổ chức cung ứng ví điện tử và TCTD có liên quan.
Song để có được giấy này là rất khó khăn vì các DN cung cấp ví thực tế liên kết, hợp tác với nhiều TCTD để mở tài khoản đảm bảo thanh toán. Các TCTD chỉ ghi nhận biến động của tài khoản đảm bảo thanh toán còn việc quản lý hoạt động thanh toán của các ví điện tử của khách hàng do DN cung ứng ví thực hiện do vậy rất khó và mất thời gian để xác định “TCTD liên quan” và bản thân các DN cung ứng dịch vụ ví cũng không đủ chức năng để xác nhận các giao dịch.
Ngoài ra, các khách hàng nạp tiền vào ví hầu hết thông qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên một ví điện tử có thể liên kết với nhiều tài khoản ngân hàng. Khi đã nạp tiền vào ví điện tử thì việc thanh toán, sử dụng số dư trong ví không còn phân biệt theo TCTD nữa. Do vậy một khoản thanh toán không thể truy ngược lại xem đã dùng tiền từ tài khoản nào. Vì thế việc xin xác nhận từ các TCTD theo Công văn 5806/2014 là không thể thực hiện được. Trừ khi cơ quan thuế yêu cầu các công ty trung gian cung cấp thông tin chủ ví và đề nghị ngân hàng sao kê tài khoản sẽ biết rõ nguồn tiền nạp vào thanh toán thế nào.
Theo nhận định của một số chuyên gia, hiện nay hầu hết các DN cung cấp ví điện tử vẫn tập trung tìm kiếm doanh thu chủ yếu từ dịch vụ thu chi hộ. Đây không phải là sức mạnh nội tại để khách hàng nhớ và trung thành với DN. Vì vậy việc mở ra cơ chế để kích thích DN sử dụng các dịch vụ ví điện tử làm trung gian thanh toán sẽ là nguồn nuôi sống các công ty fintech.
Song song với việc cải cách các thủ tục hành chính về thuế, bản thân ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung phải có những đơn vị chuyên biệt nghiên cứu, nhanh chóng cập nhật, tháo gỡ khó khăn cho DN khi thực hiện giao dịch điện tử. Bởi hiện nay, mặc dù mới phát triển khoảng 10 năm tại Việt Nam nhưng công nghệ thanh toán qua ví điện tử đã bắt đầu bão hòa.
Hiện nay, ở một số nước trong khu vực công nghệ block chain đã bắt đầu phát triển tiến tới số hóa tiền tệ. Hệ thống ngân hàng theo đó sẽ có lợi thế thích ứng với nguồn vốn lớn để nâng cấp hệ thống, khi đó công ty ví điện tử sẽ khó khăn về vốn và thị phần. Do đó nếu không có một khoảng thời gian được “chưng dụng” mạnh mẽ, các DN fintech chuyên về thanh toán gần như rất khó để đổi mới sản phẩm và cạnh tranh trong khoảng 10 năm tiếp theo.