Thoái vốn tỷ đô
Chuyện bán vốn ở Vinamilk: Ai sẽ là nhà tư vấn cho SCIC | |
CPH và thoái vốn Nhà nước: Chủ trương đúng, cần cách làm mới | |
Thoái vốn nhà nước 8 tháng lãi gần 2.850 tỷ đồng |
Các tháng cuối năm 2017 có thể sẽ xuất hiện một sóng thoái vốn lớn trên thị trường tài chính. Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước sẽ buộc phải thoái vốn, cổ phần hóa trong nửa cuối năm nay với tổng giá trị theo mệnh giá là 20.000 tỷ đồng và số tiền dự kiến thu về lên đến 30.000 tỷ đồng. Liệu điều này có tạo nên sức ép lớn lên đà tăng trưởng của VN-Index?
Theo quyết định, sẽ có tổng cộng 406 DNNN sẽ thực hiện thoái vốn từ nay đến năm 2020 với nhiều điều kiện dễ dàng hơn. Riêng năm 2017, sẽ có tới hơn 100 DN phải thoái vốn, cổ phần hóa, trong đó có khá nhiều các DN có giá trị tài sản rất lớn thuộc các ngành điện lực, dầu khí, các DN hàng đầu của ngành bia rượu như Sabeco, Habeco hay các công ty lớn trên thị trường truyền thông như VTV Cab và SCTV với quy mô tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng có 375 DN là công ty con của các bộ, ngành địa phương cần thoái vốn với tổng vốn lên đến 108.502 tỷ đồng sẽ được công bố trong nay mai, nhiều nhất là tại các thành phố lớn như: TP.HCM và Hà Nội.
Các quỹ đầu tư lớn sẵn sàng đổ thêm tiền vào Việt Nam khi thấy được tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn |
Như vậy cơ hội đang mở ra cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, bán lẻ, thức uống và thực phẩm, bất động sản. Trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán đã lên đến 1,2 tỷ USD, góp phần giúp cho VN-Index tăng trưởng vượt trội. Dự kiến dòng tiền của khối ngoại sẽ tiếp tục đổ bộ mạnh hơn vào Việt Nam trong thời gian tới nhờ dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng khả quan.
Trong khi đó, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng rục rịch trở lại thị trường sau khi đã chốt lời giữa lúc VN-Index đạt đỉnh vào cuối tháng 7. Dòng tiền còn nhận được sự ủng hộ lớn với định hướng chính sách của Chính phủ về việc gia tăng mạnh tín dụng đổ vào nền kinh tế trong năm nay để đạt tới mức tăng trưởng 21% - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. “Về trung hạn, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực cho thị trường các tháng cuối năm, nhờ bối cảnh này”, Công ty chứng khoán MBS nhận định.
Nhìn một cách tổng thể, với số lượng quy mô vốn tiềm năng của các nhà đầu tư hiện nay, khả năng hấp thụ lượng vốn khi cổ phần hóa, hay thoái vốn của DNNN là hoàn toàn khả khi, nhất là trong bối cảnh, các quỹ đầu tư lớn sẵn sàng đổ thêm tiền vào Việt Nam một khi thấy được tiềm năng tăng trưởng khả quan trong dài hạn. “Ở Việt Nam vẫn còn thiếu các công ty có tiềm năng và có uy tín, do đó các nhà quản lý quỹ đầu tư phải đãi cát tìm ngọc”, Isaac Thong, Quản lý hạng mục đầu tư của JP Morgan Asset Management tại Singapore nhận định.
Nhưng trở ngại lớn nhất cho các nhà đầu tư chính là quy trình cổ phần hóa còn khá phức tạp, đặc biệt khâu định giá còn nhiều bất cập, khiến cho quy trình cổ phần hóa, thoái vốn có thể chậm lại. Theo báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán tại 7 DN trước khi cổ phần hóa cho thấy, việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá DN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất. Kiểm toán Nhà nước đã nâng giá trị 7 DN này lên thêm 5.100 tỷ đồng.
Tính minh bạch và chất lượng đội ngũ quản trị sau khi cổ phần hóa cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư lăn tăn. “Chúng tôi sẽ không đầu tư trừ khi có thể tiếp cận hoặc cảm thấy ổn thỏa với chất lượng quản lý, cũng như hiểu biết về các quy tắc quản trị DN. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ các cổ đông thiểu số. Các công ty có tiêu chuẩn quản trị DN thấp sẽ bộc lộ ra những khuyết điểm và khiến bạn không muốn rót tiền vào. Về ngắn hạn, bạn có thể có lời, nhưng sẽ không kiếm được nhiều tiền trong dài hạn”, ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành PXP Vietnam Asset Management chia sẻ.