Thoái vốn Nhà nước không thể vội vã
Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn – nhiệm vụ khó khả thi | |
Sớm ban hành nghị định sửa đổi 3 nghị định về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước |
Nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang đối diện khó khăn |
Khó khăn cộng dồn
Lý giải về sự chậm trễ này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, năm 2020 tiến trình thoái vốn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của dịch Covid-19 cộng dồn với những năm trước không hoàn thành tiến độ thoái vốn hằng năm.
Ông Tuấn cho biết thêm, việc cổ phần hóa chậm thuộc trách nhiệm nhiều bộ ngành, trong đó có Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và DN quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy cổ phần hoá, gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, thời gian qua việc không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn chậm lại. Điển hình như trường hợp Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có tiến độ thoái vốn bàn giao về SCIC còn rất chậm.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, quan điểm của bộ là khẩn trương thực hiện việc thoái vốn, nhưng việc này cần tính toán thời điểm nào lợi ích cao nhất chứ không phải thoái càng nhanh càng tốt. Ông Hải dẫn chứng, SABECO đã có một lần bán vốn Nhà nước tương đương với 53,59% số vốn Nhà nước, số tiền thu được khoảng hơn 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. “Đây là thương vụ được đánh giá là thành công, vì nếu thoái trong bối cảnh hiện nay thì giá trị thu được sẽ khiêm tốn, nếu không nói là thiệt”, ông Hải cho biết.
Hiện tại SABECO Nhà nước còn 36% vốn. Vừa qua Bộ Công thương đã bàn giao số vốn còn lại 36% này cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tương đương 2.308 tỷ đồng để SCIC tiếp nhận làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN này, tiếp tục thực hiện thoái vốn.
Về VEAM, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là cơ khí, ô tô, thu nhập chủ yếu của công ty là từ các liên doanh mà VEAM đang thực hiện với các hãng lớn như Honda, Toyota, Ford. Số vốn điều lệ tham gia 3 liên doanh chỉ chiếm 7% nhưng mang lại 90% tổng lợi nhuận của VEAM. Do đó, ông Hải nhấn mạnh, nếu thoái vốn không cẩn thận, Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì mỗi năm riêng phần chia liên doanh đã mang lại lợi nhuận tới hơn 7.000 tỷ đồng. Nếu bán vốn ở thời điểm này chỉ thu được khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương với khoảng 5 năm lợi nhuận).
Vì vậy, Bộ Công thương dù trước đó đã có quyết định thoái vốn, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa thoái vốn tại DN này. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu, khi thoái vốn sau này cũng cần trình phương án cụ thể, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới thoái vốn.
Cần giải pháp tình thế
Theo các chuyên gia, việc không thể đẩy nhanh tiến trình thoái vốn Nhà nước trong nhiều DN ở thời điểm hiện tại là khó khăn mang tính khách quan do tác động của đại dịch Covid-19. Mặt khác, trên thực tế đây còn là lúc phải có cái nhìn khác để thay đổi vai trò của chủ sở hữu Nhà nước tại DN nhằm đối phó với những tác động bất lợi trước mắt.
Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, hiện nay nhiều DN có vốn Nhà nước vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các DN đầu ngành trong các lĩnh vực trọng yếu như hàng không, du lịch, lữ hành… tiềm ẩn rủi ro gián đoạn hoạt động, thậm chí phá sản đối với các DN này và có nguy cơ mất vốn Nhà nước.
Vì vậy, thời điểm hiện tại rất khó để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn Nhà nước tại DN. Thay vào đó thậm chí còn cần xây dựng phương án hỗ trợ kinh tế lần 2, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, định hướng các khoản đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cần hỗ trợ. Điển hình là vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 24 về xử lý khó khăn tài chính cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Tổ tư vấn khuyến nghị, các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn cần báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết để có bài học kinh nghiệm triển khai hỗ trợ DN có vốn Nhà nước khác đang hoạt động trong các lĩnh vực then chốt bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các tiêu chí để xem xét lựa chọn ngành, lĩnh vực như chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP; có thị trường xuất khẩu; giải quyết được nhiều lao động; có công nghệ hiện đại; có khả năng huy động vốn từ các khu vực kinh tế khác cùng với vốn từ ngân sách nhà nước. Các khoản đầu tư này sẽ được triển khai trong 2 năm 2021-2022 theo cơ chế đặc thù chống dịch và sẽ thoái vốn Nhà nước khỏi DN khi nền kinh tế đạt mức như cuối năm 2019.
GS. Trần Văn Thọ - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng bổ sung, có thể tính tới phương án giao SCIC đầu tư vào các DN mà Chính phủ góp vốn đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các khoản đầu tư này có thời hạn không quá 3-5 năm và phải xây dựng kế hoạch thoái vốn cụ thể. Ngoài ra, nếu cần thiết cũng nên xem xét việc dùng vốn của SCIC mua cổ phiếu (một phần hoặc toàn phần) của các DN tư nhân đang gặp khó khăn và đang muốn bán cho nước ngoài.
“Cho đến nay trong quá trình cải cách kinh tế, ta cổ phần hóa nhiều DN quốc doanh và tập trung vốn về SCIC. Bây giờ làm ngược lại là dùng vốn đó "quốc hữu hóa" một bộ phận DN tư nhân đang khó khăn. Trong tương lai gần, khi kinh tế ổn định và các DN đó hoạt động bình thường trở lại, nhà nước sẽ thoái vốn, trả lại cơ cấu sở hữu cũ cho DN. Giải pháp này chỉ có tính tình thế cho giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay”, GS. Trần Văn Thọ đề xuất.