Chuyện bán vốn ở Vinamilk: Ai sẽ là nhà tư vấn cho SCIC
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa tuyên bố tháng 10 tới sẽ bán 48.333.000 cổ phần tương đương 3,33% vốn điều lệ tại Tổng công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk (MCK:VNM) cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và có đủ điều kiện theo quy định. Việc bán vốn lần này là SCIC tiếp tục thực hiện chỉ đạo bán bớt cổ phần tại Vinamilk mà Chính phủ đã chỉ đạo.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết 3,33% lần này nằm trong số 3,6% vốn điều lệ chưa bán hết trong đợt chào bán cuối năm 2016 (năm 2016 SCIC định bán 9% nhưng sau đó chỉ bán thành công 5,4%). Sau khi hoàn tất đợt chào bán này thì tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamilk là 36%. Nhưng tỷ lệ này vẫn có ý nghĩa lớn về quản trị và vai trò của cổ đông lớn. Nghĩa là dù phiếu biểu quyết có thấp đi nhưng vẫn có quyền phủ quyết những vấn đề lớn theo điều lệ của Vinamilk. “Nếu thị trường tốt, tôi kỳ vọng sẽ thu được khoảng 7.000 tỷ đồng từ đợt chào bán này”, ông Chi nói.
Ảnh minh họa |
Rút kinh nghiệm ở lần chào bán trước, lần này SCIC sẽ công bố rộng rãi thông tin về cách thức mua bán, khối lượng tối thiểu… để nhà đầu tư có thể nghiên cứu. SCIC sẽ phối hợp chặt chẽ với Vinamilk để giới thiệu cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. “Có thể chúng tôi sẽ công bố các thông tin cụ thể liên quan đến việc bán cổ phần Vinamilk trước khoảng 1 tháng so với thời điểm bán. Thông thường, với việc thoái vốn tại các DN khác, chúng tôi chỉ công bố trước 1 tuần”, ông Chi nói. Theo SCIC thì giá khởi điểm sẽ công bố sát thời điểm bán để bám sát diễn biến thị trường.
Vì là đợt bán tiếp và nằm trong số cổ phần không bán hết năm 2016 nên SCIC cũng đang tính toán, cân nhắc phạm vi công việc tư vấn cần thiết theo quy định và đánh giá của SCIC, xây dựng phương án tư vấn để từ đó lựa chọn nhà tư vấn. SCIC hiện đang cân nhắc kế hoạch quảng bá roadshow, giới thiệu lần bán vốn này tại các trung tâm tài chính, nhưng ở thị trường nào thì được quyết định sau. SCIC cũng chưa quyết định chọn nhà tư vấn nào, nhưng tinh thần là sẽ tận dụng tư vấn của năm 2016 là Morgan Stanley, SSI và VinaCapital. Và trong quá trình xây dựng phương án lần này sẽ cố gắng khắc phục các vấn đề hạn chế của đợt chào bán 2016 (những bất cập, ảnh hưởng đến NĐT như quản lý ngoại hối, quản lý NĐT chứng khoán nước ngoài về mã giao dịch…).
SCIC lên kế hoạch bán vốn vào tháng 10 vì đây có thể là thời điểm đưa cổ phần ra bán và bán với giá cao. Kết quả hoạt động của Vinamilk đang tốt và dự kiến đến hết năm vẫn tốt. Nhưng ông Nguyễn Đức Chi tiết lộ: “quan điểm của chúng tôi là nếu làm được nhanh càng tốt bởi thị trường đang có những yếu tố thuận lợi và cũng để tránh những rủi ro thị trường, những yếu tố không thể định liệu được”.
Trả lời câu hỏi số tiền thu về từ đợt thoái vốn của Vinamik sẽ được hạch toán vào đâu, ông Chi trả lời: Hạch toán vào doanh thu của SCIC hay vào quỹ hỗ trợ và sắp xếp DN thì cũng là tài sản của nhà nước được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao. Kể cả hạch toán doanh thu thì cũng chỉ là một bước để đưa vào sổ sách hoạt động tương đối của SCIC, rồi sau đó cũng lại được chuyển vào ngân sách nhà nước.
Theo Quyết định 1001 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành (về phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC) thì SCIC sẽ tiến hành thoái hết vốn tại Vinamilk trong giai đoạn 2017-2020. Với câu hỏi, tỷ lệ 36% sẽ được thoái theo lộ trình nào từ nay đến 2020, ông Chi trả lời: tỷ lệ 36% còn lại của Vinamilk sẽ được lãnh đạo Chính phủ điều tiết từng năm nên chưa thể nói được sang năm sẽ bán là bao nhiêu.
Năm 2016, khi bán đấu giá 78.378.300 cổ phần (CTCP Sữa Việt Nam-Vinamilk), tương ứng với 5,4% cổ phần ở Vinamilk cho hai nhà đầu tư ngoại là F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE.LTD, SCIC - đã thu về 11.286,5 tỷ đồng. Giá bán 144.000 đồng/cổ phần. Nhưng trong báo cáo tài chính hợp nhất của SCIC, tổng doanh thu từ bán các khoản đầu tư năm 2016 chỉ là 4.860 tỷ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cũng cho thấy, ngân lưu tiền thu từ bán, thoái các khoản đầu tư tài chính chảy về công ty trong năm cũng chỉ là 5.583 tỷ đồng. Như vậy, có thể hiểu rằng, tiền bán 5,4% vốn tại Vinamilk đã không hạch toán vào doanh thu của SCIC.