Thời trang cũng cần bền vững
Chương trình có sự tham gia của 18 nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam như: Minh Hạnh, Chu La, Hảo Nguyễn, Cao Duy, Hùng Việt, Nhi Hoàng, Xuân Hảo, Ngọc Hân, Hà Duy, Cao Minh Tiến, Công Huân… cùng 2 nhà thiết kế Italia là Michele Gaudiomonte, Bianco Levrin. Mỗi nhà thiết kế với phong cách riêng sẽ mang đến một bộ sưu tập thể hiện chủ đề “Bền vững”. Bền vững cũng đồng thời là chủ đề xuyên suốt được Đại sứ quán Italia lựa chọn để kết nối chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ý – Việt.
Máy dệt dùng thoi gỗ - nằm trong quy trình “Ươm tơ dệt lụa” |
Italia được coi là một trong những cường quốc thời trang của thế giới, còn Việt Nam luôn thể hiện sự quan tâm lớn đến thời trang và đang từng bước cho ra đời nhiều nhà thiết kế tài năng. Chính vì thế thời trang đã nhanh chóng trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước.
Năm 2013, Hội đồng thời trang Ý – Việt được thành lập và giới thiệu tại Rôma và Hà Nội. Từ đó đến nay, mỗi năm Hội đồng thời trang Ý – Việt đều tổ chức các hoạt động như trình diễn thời trang, hội thảo, masterclass, trao đổi bàn tròn… làm cầu nối thời trang hai nước và thúc đẩy phát triển nhiều hợp tác quan trọng khác.
Vì vậy, Tuần lễ thời trang Thu Đông Việt Nam - Italy 2018 không đơn thuần là một hoạt động thời trang đa sắc màu mà đã trở thành sợi dây kết nối văn hóa hai dân tộc, đề cao giá trị của những ngành nghề thủ công, giá trị văn hóa trong thời trang, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia, hướng tới “bền vững”.
Điểm nhấn của Tuần lễ thời trang thu đông Việt Nam - Italia 2018 này là Triển lãm “Quy trình ươm tơ dệt lụa” được trưng bày ngay tại Ngôi nhà Ý (18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội). Đến với triển lãm, người xem sẽ được “tận mắt chứng kiến các nghệ nhân thao tác quy trình khép kín tuốc tơ, quay tơ, se tơ, dệt lụa tạo ra những sản phẩm từ lụa, góp phần đưa những hình ảnh sống động về một nghề cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam đến gần với công chúng Hà Nội hơn.
Tơ lụa - chất liệu chính được sử dụng tại tuần lễ thời trang năm nay, do các nghệ nhân, những người làm lụa của Hà Nội và Bảo Lộc (Lâm Đồng) như: Thái Nam Silk - Nha Xá, Vietsilk, Lụa Việt, Nhật Minh Silk, không còn là những thương hiệu xa lạ với các tín đồ thời trang.
Tuy nhiên, lụa đã được 18 nhà thiết kế đầy cá tính “thổi hồn”, sáng tạo thành những bộ trang phục hiện đại, hợp thời. Người xem sẽ thật sự mãn nhãn với những bộ sưu tập thời trang mùa thu / mùa đông năm 2018 bởi sự đa dạng và tính linh hoạt của những mặt hàng dệt may như tơ lụa, cùng sự giao thoa giữa hai nền thời trang Ý - Việt.
“Thổi hồn” vào lụa - chất liệu vải truyền thống quý giá, biểu trưng cho sự bền vững, sự giao lưu sáng tạo giữa Việt Nam và Italia, là cách tôn vinh mối quan hệ đã được xây đắp trong suốt một thời gian dài – 45 năm qua. Và sẽ được tiếp tục phát triển trong tương lai, bà Cecilia Piccioni - Đại sứ Ý tại Việt Nam chia sẻ.
Lụa được tôn vinh trong dịp này là bởi trước khi những tấm vải lụa tới được tay người tiêu dùng thì những nghệ nhân làm lụa đã phải thực hiện rất nhiều công đoạn tỉ mỉ khác nhau, trong một quy trình truyền thống với cái tên “Ươm tơ dệt lụa”. Thông qua triển lãm này, Hội đồng Thời trang Italy-Việt Nam và Đại sứ quán Ý nhằm làm nổi bật giá trị của nghề thủ công và văn hoá trong ngành thời trang cũng như mối quan hệ chính yếu giữa hai nước gắn kết với sự bền vững.
Nghề nuôi tằm - dệt lụa không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế nước nhà, mà còn là thứ hàng hóa đã làm nên thương hiệu tơ lụa Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng...
Bà Đại sứ kỳ vọng Ngôi nhà Ý – trung tâm văn hóa và thương hiệu Ý không chỉ là nơi giới thiệu các thương hiệu hàng đầu của Ý có mặt tại Việt Nam mà còn là điểm hẹn cho những sự kiện như triển lãm giàu ý nghĩa này. Nơi đây mang dáng vóc của một quảng trường Ý thời kỳ Phục hưng, nơi những con người và ý tưởng từ những miền đất khác nhau cùng hội ngộ và chia sẻ, trao đổi hợp tác với nhau.
Sâu xa hơn, thông qua triển lãm này, Hội đồng thời trang Ý – Việt và Đại sứ quán Italia muốn đề cao giá trị của những ngành nghề thủ công, của giá trị văn hóa kết tinh trong thời trang, nhằm nhấn mạnh một chủ đề xuyên suốt trong quan hệ ngoại giao Ý – Việt, chủ đề “bền vững”.
Trong thời đại ngày nay, bền vững cần trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như bền vững trong môi trường, trong phát triển xã hội, trong quan hệ giữa con người với con người, trong sản xuất bởi vì để có một nền kinh tế bền vững thì sản xuất sẽ phải tuân thủ theo những quy chuẩn quốc tế đồng thời vẫn giữ được những giá trị truyền thống quan trọng. Nếu ai cũng nhận thức được vấn đề này và luôn trân trọng những giá trị bền vững đó thì thế giới này mới mong trường tồn, không biến đổi khí hậu.