Đầu tư ra nước ngoài: Tránh chuyện “sai một ly, đi một dặm”
Rút kinh nghiệm từ những câu chuyện rủi ro chính sách của DN đầu tư ra nước ngoài, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) đã khuyến nghị một số vấn đề đối với công tác đầu tư ra nước ngoài, tại hội thảo Đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật, tổ chức ngày 10/1.
Hoạt động đầu tư của DN Việt Nam thuận lợi song vẫn cần lường trước rủi ro |
Dẫn chứng từ một câu chuyện có thật trong ngành mía đường ở Campuchia, xảy ra khoảng vài năm trước, bà Nguyễn Hoàng Phượng - chuyên gia của PanNature cho biết, 3 NĐT nước ngoài đã xây dựng nhà máy sản xuất đường ở Campuchia, 90% sản lượng được xuất khẩu sang EU theo cơ chế ưu đãi thương mại một chiều dành cho các quốc gia đang phát triển không bị áp hạn ngạch, giá sàn cao hơn mặt bằng chung, nhưng phải đảm bảo vấn đề môi trường, nhân quyền.
Tuy nhiên, nhà nhập khẩu EU đã chấm dứt hợp đồng sau khi biết quá trình xây dựng nhà máy đã nảy sinh vấn đề cưỡng chế đất đai, không có được sự đồng thuận với người dân, họ đã tiến hành khởi kiện công ty ở châu Âu về hành vi nhập khẩu hàng hoá được sản xuất dựa trên các chính sách vi phạm nhân quyền. Ngay cả khi chuyển hướng sang thị trường Mỹ, nhưng các nhà sản xuất ở châu Âu vẫn tiếp tục kết nối với các công ty nhập khẩu của Mỹ để tố cáo hành vi sai phạm của DN ở Campuchia, chấm dứt hoàn toàn khả năng tìm kiếm thị trường của các nhà sản xuất này.
Mặc dù hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam tương đối thuận lợi, song những câu chuyện thực tế cho thấy rủi ro có thể xảy ra đối với bất kỳ DN nào có hoạt động đầu tư vượt ra ngoài biên giới quốc gia, do các thiếu hụt thông tin về thị trường, pháp lý, phong tục tập quán… Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp là ngành kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2018, cả nước có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 376,1 triệu USD; có 35 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 56 triệu USD. Tính chung trong 12 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 432,1 triệu USD.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, số lượng dự án đầu tư vào nông nghiệp trong Tiểu vùng sông Mekong tăng lên đã và đang tác động to lớn lên đời sống của người dân địa phương, cả tích cực và tiêu cực. Các dự án đầu tư tạo ra nhiều việc làm mới nhưng cũng khiến địa phương bị mất đi phương thức sinh kế truyền thống của họ. Trong khi những tác động về môi trường và xã hội chưa được giảm thiểu thích đáng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của cả DN và người dân. Vì vậy các tổ chức này đã cùng hợp tác để thúc đẩy những nguyên tắc và thực hành tốt trong đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp ở Tiểu vùng sông Mekong nhằm bảo đảm cuộc sống và sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, hướng dẫn tự nguyện này nhằm cung cấp thông tin về quy trình đầu tư ra nước ngoài với từng bước cụ thể kèm theo những rủi ro môi trường – xã hội tiềm ẩn qua những chính sách và pháp luật liên quan. Hướng dẫn này sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư, đồng thời cung cấp các thông tin và địa chỉ hữu ích giúp kết nối các bên nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư. Có thể nói, đây là một trong những bản hướng dẫn chi tiết nhất hiện nay trong vấn đề đầu tư ra nước ngoài.
Mặc dù vậy, bà Nguyễn Hoàng Phượng nhấn mạnh, tài liệu hướng dẫn này cũng chưa thể bao quát hết được tất cả các vấn đề về môi trường và xã hội. Nhóm nghiên cứu chỉ tập trung vào 4 vấn đề chính gồm đất đai, môi trường, lao động, văn hoá và quyền của người bản địa. Đây được đánh giá là những thách thức lớn nhất của các DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài.
Là DN đã thực hiện thí điểm bộ hướng dẫn tự nguyện, bà Nguyễn Thị Hải - Phó tổng giám đốc Công ty cao su Đăk Lăk chia sẻ, DN đã có cái nhìn toàn diện hơn về phát triển bền vững, qua đó thực hiện các chính sách đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thực hiện bộ quy tắc hướng dẫn còn giúp DN huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài. Đối với cán bộ công nhân viên, được hỗ trợ kỹ năng làm việc với cộng đồng và các kỹ năng khác, nâng cao năng lực trình độ. Từ đó chính DN cũng được nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy tiếp cận nhanh hơn với hệ thống quản lý rủi ro. “Cái được hơn hết là chúng tôi đã xây dựng hình ảnh một NĐT có trách nhiệm, trong đó không chỉ có hình ảnh của DN, mà còn là hình ảnh của quốc gia”, bà Hải kết luận.