Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Phú Thọ: Tín dụng chính sách củng cố lòng tin
Trên 209 nghìn lượt hộ được vay vốn ưu đãi
Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Văn bản số 39-CV/TU ngày 30/10/2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 2388/KH-UBND ngày 16/6/2016 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40.
Đồng chí Hoàng Công Thủy – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ khẳng định: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 hoạt động tín dụng chính sách tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực |
"Sau 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư khẳng định hoạt động tín dụng chính sách tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đặc biệt thực hiện chủ trương chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; từ đó khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương", đồng chí Hoàng Công Thủy - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư tại địa phương. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang theo Chỉ thị số 40 là 39,39 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2014 là 20,63 tỷ đồng; nợ quá hạn đến nay chiếm tỷ lệ 0,13% so với tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 15 chương trình tín dụng với doanh số cho vay trong 5 năm qua đạt gần 5.400 tỷ đồng, trên 209 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; mức vay bình quân một hộ vay đã tăng từ 17,7 triệu đồng/hộ năm 2014 lên 35,8 triệu đồng/hộ năm 2019 (tăng trên 18 triệu đồng/hộ so với năm 2014).
“Kết quả đó đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2018 là 7,4%, giảm 2,5% so với năm 2014. Qua đó, đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Hoàng Công Thủy thông tin tại hội nghị.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã được nâng lên và chuyển biến rõ rệt; các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong chương trình, kế hoạch và hoạt động thường xuyên của địa phương; ưu tiên tập trung nguồn lực, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đơn cử tại huyện Cẩm Khê, mặc dù tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nhưng huyện vẫn ưu tiên nguồn vốn chuyển NHCSXH cho vay. Tính đến 30/6/2019, huyện đã cân đối ngân sách, chuyển vốn sang NHCSXH đạt 360 triệu đồng (tăng 280 triệu đồng so với năm 2014).
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện được kiện toàn đúng, đủ thành phần; thường xuyên được củng cố nâng cao chất lượng hoạt động. Ban đại diện huyện luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện, các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, Ban giảm nghèo các xã, thị trấn thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.
Phó tổng giám đốc NHCSXH Hoàng Minh Tế trao tặng giấy khen của NHCSXH cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 |
Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Không chỉ cấp huyện, mà các xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng tích cực triển khai Chỉ thị số 40 mà theo bà Mai Thị Viên - Bí thư Đảng ủy xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp ủy Đảng, các ban ngành của địa phương và các tổ chức hội ủy thác, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng, chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Với tinh thần đó, tính đến tháng 7/2019 tổng dư nợ từ NHCSXH tại xã Hanh Cù là 13,9 tỷ đồng tăng gấp 2 lần so với năm 2015; các hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, học sinh, sinh viên có nhu cầu đều được bình xét giải quyết cho vay theo đúng quy định, để đầu tư mua sắm vật tư, cây, con giống phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn đồi, kinh doanh dịch vụ tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã trung bình 2,5%/năm.
“Kết quả này đã chứng minh cho một chính sách hết sức đúng đắn, thể hiện sự ưu việt của Đảng, Nhà nước ta, có ý nghĩa to lớn góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua đó đã khẳng định các chương trình tín dụng chính sách góp phần không nhỏ tăng cường hiệu quả lãnh đạo, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước đồng thời củng cố được lòng tin của nhân dân với Đảng”, bà Mai Thị Viên nhấn mạnh.
Để tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ Hoàng Công Thủy đề nghị, trong thời gian tới, phải đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày một thiết thực, hiệu quả hơn, việc tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, qua đó, góp phần đẩy lùi tín dụng đen xâm nhập vào đời sống, sản xuất của nhân dân. "Ngay sau hội nghị này đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Nhà nước và NHCSXH tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung", đồng chí Hoàng Công Thủy nhấn mạnh. Đó là tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục lấy tín dụng chính sách xã hội làm công cụ hữu hiệu trong việc góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo để đưa tín dụng chính sách xã hội hoạt động ổn định, bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nhanh với nguồn vốn này để vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương sắp xếp các xã, phường trên địa bàn trong thời gian tới phải gắn với việc tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Theo đồng chí Hoàng Công Thủy, cùng với việc hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH và hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, chính quyền các cấp cần chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách theo phân cấp để chuyển cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay theo quy định. Thường xuyên rà soát các quỹ, nguồn vốn chưa sử dụng đến để chuyển sang NHCSXH ủy thác có thời hạn, nhằm tạo điều kiện tăng thêm nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Lãnh đạo Tỉnh ủy yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy tốt vai trò tập hợp lực lượng, giám sát và phản biện xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo chủ trương và chính sách tín dụng xã hội đến được với người dân, góp phần tích cực trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp, lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các chương trình, dự án khác trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình và sử dụng vốn hiệu quả.