Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Nam Định: Nhân lên những giá trị của tín dụng nhân văn
Theo ông Trần Văn Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đồng chí Trần Văn Chung – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định khẳng định: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững |
Sự lan tỏa của đồng vốn ưu đãi
Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn do Tỉnh ủy Nam Định tổ chức mới đây đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng trong việc huy động mọi nguồn lực để nâng cao hơn nữa hiệu quả đối với công tác cho vay ưu đãi.
Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết, sau khi có Chỉ thị, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 4/2/2015 và tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn đều triển khai. Qua đó cấp ủy chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và được đưa vào kế hoạch, hoạt động của đơn vị; quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay, hỗ trợ trụ sở làm việc, chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, nâng cao chất lượng tín dụng, bố trí địa điểm, an ninh, an toàn cho Điểm giao dịch xã…
Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được bổ sung 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia, qua đó nâng cao sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách ngay từ cơ sở; Vai trò của chính quyền cơ sở được phát huy tối đa, thực sự vào cuộc cùng NHCSXH trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả, chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; Tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cung cấp danh sách và xác nhận đối tượng cho vay vốn làm căn cứ để NHCSXH cho vay đúng đối tượng thụ hưởng.
Cùng với việc cấp tín dụng ưu đãi của NHCSXH, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các hội đoàn thể phổ biến chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình đến hộ vay vốn để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đơn cử như hộ gia đình bà Hoàng Thị Thúy, ở xóm 2, xã Nam Toàn, huyện Nam Trực cách đây vài năm đã vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo của NHCSXH để đầu tư mua máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình và người dân địa phương để tăng thu nhập.
Ngoài ra, nắm bắt tốt cơ hội phát triển nghề truyền thống trồng cây cảnh của địa phương, gia đình bà Thúy đã vay thêm 45 triệu đồng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh ủy thác qua NHCSXH và vay 12 triệu từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Được tiếp cận vốn vay ưu đãi kinh tế gia đình bà Thúy đã giảm bớt khó khăn, không phải chạy vạy đi vay ngoài, yên tâm sản xuất kinh doanh, dần có của ăn của để và tạo lập nguồn vốn quay vòng cho chu kỳ sản xuất kinh doanh tiếp theo.
“Các nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH rất có ý nghĩa với người dân nông thôn. Nguyện vọng của gia đình tôi là muốn được vay thêm nguồn vốn giải quyết việc làm để mở rộng vườn trồng cây cảnh và cây ăn quả, tăng thu nhập và tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình”, bà Thúy chia sẻ.
Thống kê của NHCSXH Nam Định, trong 5 năm qua trên địa bàn tỉnh đã có 15.837 lượt hộ nghèo, 31.034 lượt hộ cận nghèo và 99.370 các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 10.472 hộ thoát nghèo, 8.168 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 6.581 lao động, 5.041 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ không để một học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí…
Đồng chí Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH Nam Định trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân tích cực triển khai Chỉ thị số 40 |
Khẳng định hơn nữa vai trò của tín dụng chính sách
Mặc dù ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn và những năm qua toàn tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh… song từ khi thực hiện Chỉ thị 40, ngân sách các cấp đã bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ủy thác qua NHCSXH 21.680 triệu đồng (ngân sách tỉnh bổ sung thêm 9.900 triệu đồng; ngân sách cấp huyện, xã 11.226 triệu đồng; lãi nhập gốc 554 triệu đồng) đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến 30/6/2019 đạt 26.680 triệu đồng.
Bên cạnh việc quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay, chính quyền các địa phương đã bố trí Điểm giao dịch tại UBND các xã, phường, thị trấn để NHCSXH đưa vốn đến người dân thuận lợi, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với tín dụng ưu đãi. Chủ tịch UBND cấp xã đã chủ động tham gia giám sát, chỉ đạo tại buổi giao dịch tại xã, đặc biệt việc tham gia họp giao ban với NHCSXH, Hội nhận ủy thác và tổ TK&VV hàng tháng được Chủ tịch UBND xã, phường coi đó như là một trách nhiệm và thường xuyên tham gia.
Đồng thời chỉ đạo các tổ chức Hội nhận ủy thác tham gia đầy đủ các buổi giao dịch tại xã, nắm bắt tình hình hoạt động của từng tổ TK&VV, các hộ vay nợ quá hạn, chây ì, báo cáo, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã có biện pháp xử lý qua đó chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch ngày càng được nâng cao, tỷ lệ giao dịch tại xã đạt trên 90% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH với khách hàng.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai Chỉ thị số 40, đồng chí Trần Văn Chung – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định khẳng định Chỉ thị đã tạo tác động mạnh mẽ, tích cực về mặt nhận thức và trách nhiệm xuyên suốt từ các cấp, các ngành của tỉnh đến các địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, tích cực phối hợp với NHCSXH trong công tác quản lý việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn; bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị làm việc; xác nhận đối tượng vay vốn, chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng…
Đồng chí cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp hàng năm dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn tới. Yêu cầu các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến quy trình cho vay; phải đơn giản, thuận tiện từ khi xác định đối tượng, cho vay, hỗ trợ, thu hồi sau khi vay đảm bảo quy trình hồ sơ chặt chẽ, nguồn vốn vay đến đúng đối tượng.
Với các tổ chức chính trị - xã hội, đồng chí Trần Văn Chung đề nghị, thực hiện tốt các nội dung ủy thác phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện và có nhu cầu được tiếp cận vốn. Ngoài ra, cũng định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hướng dẫn khoa học kỹ thuật; hỗ trợ khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo hiệu quả đồng vốn vay.