Thực thi quyền SHTT trong hội nhập
Sở hữu trí tuệ: Chế tài nhiều nhưng xử lý chưa mạnh | |
Việt Nam tăng điểm trong chỉ số Sở hữu trí tuệ quốc tế |
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, những năm qua tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang ngày một gia tăng ở Việt Nam. Đã có rất nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên phần lớn các chủ thể quyền đều tự giải quyết tranh chấp giữa các bên và xử lý hành chính. Do đó chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm này.
Hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng đang là vấn đề nhức nhối dẫn đến tình trạng mất kiểm soát trên thị trường |
Vi phạm SHTT hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn như sử dụng các thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng giả, hàng nhái nên rất khó phát hiện. Các hành vi vi phạm ngày càng quy mô và chặt chẽ khiến các quan quản lý khó phát hiện và xử lý.
Điển hình thời gian qua chính là vụ việc DN Khai Silk bán khăn lụa cắt mác “made in China” và thay thế vào đó là mác “made in Vietnam” có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Theo kết luận của Bộ Công thương với Công ty TNHH Khải Đức thì Công ty chủ yếu mua thành phẩm từ các DN khác trên thị trường, về gắn mác Khaisilk đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng.
Công ty cũng đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng... Vụ việc này dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ người tiêu dùng về vấn đề giả mạo nhãn mác bán hàng giả, hàng nhái.
Thống kê từ Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho thấy, mỗi năm, lực lượng này phát hiện và xử lý trên 100.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT. Chủ yếu các vi phạm diễn ra là làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Burberry… Đại diện thương hiệu Lacoste tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là nơi mà nhãn hiệu này bị làm giả nhiều nhất với khoảng 8.000 sản phẩm trên tổng số 3 triệu sản phẩm giả thương hiệu Lacoste được phát hiện trên toàn thế giới.
Đơn vị này cho hay từng phát hiện 5 xưởng sản xuất chuyên sản xuất áo thun giả nhãn hiệu Lacoste tại Việt Nam với công suất sản xuất hàng trăm ngàn chiếc/năm. Các sản phẩm này được bán ra thị trường cả nước, thậm chí còn xuất khẩu qua Campuchia, sang Thái Lan rồi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam bán giá cao gấp 3 - 4 lần.
Việc thực thi quyền SHTT và xử lý các vi phạm ở nước ta đang là một thách thức lớn. Theo các cơ quan quản lý thị trường, hàng giả mạo nhãn hiệu, nhất là các thương hiệu nổi tiếng đang là vấn đề nhức nhối dẫn đến tình trạng mất kiểm soát trên thị trường.
Có thể thấy, Việt Nam đã và đang hoàn thiện các khung khổ pháp luật và tạo hành lang pháp lý đầy đủ để giúp các DN, người dân thực thi quyền, nghĩa vụ liên quan đến SHTT, thông qua việc ban hành Luật SHTT năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009...
Tuy nhiên tình trạng vi phạm SHTT ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến và việc thực thi Luật SHTT còn nhiều hạn chế. Vấn đề bảo hộ quyền SHTT đã được Chính phủ triển khai từ năm 2007 và nhiều văn bản, quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hiện thực hoá việc xác lập quyền SHTT trong điều kiện Việt Nam, nhưng việc thực thi quyền này chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Việc xử lý các vấn đề liên quan đến vi phạm SHTT hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về quyền bảo hộ SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm cũng như trước yêu cầu cấp thiết khi Việt Nam tham gia vao các Hiệp định thương mại tự do. Đây cũng là vấn đề Việt Nam lo ngại khi chính thức tham gia CPTPP và SHTT được đưa vào thỏa thuận giữa các nước.
Theo Bộ KH&CN, SHTT vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam, một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 quốc gia tham gia CPTPP. Do đó, để đáp ứng được những yêu cầu trong thỏa thuận khi CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019 thì Việt Nam cần phải tích cực hoàn thiện, sửa đổi các văn bản hệ thống pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, DN trong vấn đề xây dựng thương hiệu và hội nhập cần phải có những biện pháp để tự bảo vệ mình. Theo đó DN nên đăng ký xác lập quyền SHTT để có cơ sở pháp lý bảo vệ mình trong vấn đề tranh chấp. Các DN cần chú trọng đăng ký SHTTnếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp... đồng thời DN cần bảo hộ quyền SHTT cả ở trong nước và nước ngoài.
Khi đăng ký bảo hộ SHTT tại các nước sở tại, nếu sản phẩm bị xâm phạm thì sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ. Song song đó, các địa phương và DN cần làm tốt hơn chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ tại các quốc gia tham gia CPTPP.