Tiền tỷ đóng băng vì siết hoàn thuế
Hướng dẫn thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng | |
DN còn “dài cổ” đợi hoàn thuế? | |
Sẽ siết chặt khâu hoàn thuế |
Cơ quan soạn thảo bộ luật trên cho rằng, việc hạn chế điều kiện hoàn thuế VAT sẽ tiết kiệm thời gian, giảm chi hoàn thuế hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngành thuế đang tạo ra cơ chế để chiếm dụng vốn của DN.
Từ 1/7 cơ hội nhận được tiền hoàn thuế VAT sẽ khó khăn hơn |
Kiêng canh nóng thổi cả rau nguội
Theo quan điểm của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quản trị và tư vấn thuế, việc sửa đổi các điều kiện hoàn thuế VAT như các quy định mới tại Luật số 106 là hợp lý, và tạo ra sự bình đẳng trong đối xử với các DN sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn, ông Vũ Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Quản trị DN BCM Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay do các điều kiện hoàn thuế VAT được quy định khá cởi mở, nên một số DN đã lợi dụng để gian lận, “rút ruột” tiền thuế từ ngân sách.
“Một số DN kinh doanh mặt hàng tiêu dùng không kê khai đầy đủ thuế VAT trên tổng số hàng hóa dịch vụ bán ra, do vậy thuế VAT đầu vào được khấu trừ rất nhiều. Như vậy, không những Nhà nước bị thất thu thuế VAT đầu ra, mà còn thất thu phần thuế VAT hoàn cho những đơn vị này”, ông Sang nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huệ (Công ty TNHH tư vấn thuế C.H.C) cũng cho rằng, trên thực tế có nhiều đơn vị bán lẻ như hàng điện tử, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng... người dân mua về tiêu dùng nên không có nhu cầu lấy hóa đơn. Vì vậy, DN có thể trốn không xuất hóa đơn cho những trường hợp này. Đầu vào họ sẽ được khấu trừ, hoàn thuế, còn đầu ra thì không phải nộp vì không xuất hóa đơn. Điều này sẽ tạo nên sự không công bằng đối với các DN làm ăn chân chính.
Tuy nhiên, trái ngược với những ý kiến trên, nhiều DN ngành nhựa và dệt may cho rằng, cách siết lại điều kiện hoàn thuế VAT như quy định mới trong Luật 106 giống như một hình thức “chiếm dụng vốn” của DN.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, hiện nay 80% nguyên liệu ngành nhựa đều phải nhập khẩu, thời gian nhập về nhiều khi mất 2-3 tháng nên DN phải dự trữ hàng hóa để tránh rủi ro là chuyện rất bình thường.
Chưa kể, trong các điều kiện thị trường có biến động, DN phải tích trữ hàng hóa, tận dụng cơ hội nhập nguyên liệu giá rẻ. Vì thế nếu không được hoàn thuế, hàng tỷ đồng tiền thuế đã nộp vào kho bạc của DN sẽ không lấy ra được, các DN không còn vốn lưu động mà sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, đại diện một DN ngành cao su có trụ sở tại TP.HCM cũng tỏ ra bức xúc. Vị này cho rằng, mặc dù ngành thuế có thể giải thích rằng khi nào DN bán hàng tồn kho ra thì sẽ được hoàn thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp DN bán lỗ hoặc buộc phải giải thể vì lỗ vốn thì nguy cơ mất luôn phần thuế VAT là rất có thể xảy ra.
“Tiền hoàn thuế là tiền vốn của DN, nếu không được hoàn sớm để DN có vốn quay vòng thì khác nào cơ quan thuế đang chiếm dụng vốn. Đồng ý là có một số trường hợp DN gian lận thuế VAT, nhưng đâu phải DN nào cũng như vậy. Hơn nữa, nếu có gian lận thì đúng lý phải đưa ra biện pháp để phòng chống, chứ không thể vì một số các DN sai phạm mà siết lại toàn bộ quy định hoàn thuế theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, làm như thế sao có thể gọi là công bằng được” – vị đại diện này nói.
Đi ngược tinh thần hỗ trợ DN?
Mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Thuế VAT lần này, ngoài việc cải cách hành chính, cơ quan thuế cũng hướng đến mục đích ngăn chặn tình trạng chiếm đoạt ngân sách thông qua hoàn thuế. Việc này thể hiện rõ khi các quy định mới trong Luật số 106 hướng đến việc tăng khấu trừ và giảm hoàn thuế.
Nói một cách đơn giản, nếu như trước đây các DN có số thuế VAT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì sẽ được hoàn thuế, nhưng từ 1/7/2016 sẽ không được hoàn thuế nữa mà được khấu trừ vào các kỳ sau.
Những giải thích của cơ quan thuế cho rằng nếu thực hiện cả thủ tục hoàn thuế, sau đó lại thực hiện thủ tục nộp thuế thì sẽ tốn thời gian, công sức cho cả cơ quan thuế và DN. Vì vậy, cho phép tự động khấu trừ vào kỳ nộp thuế tiếp theo sẽ đảm bảo mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, do bỏ được thủ tục kê khai, khấu trừ, nộp thuế và hoàn thuế VAT.
Tuy nhiên, ở đây dường như có sự mập mờ. Bởi thực tế bản chất của việc hoàn thuế VAT cho DN là “tiền tươi thóc thật”, khác với nghiệp vụ khấu trừ vào thuế thu nhập DN. Khi khấu trừ hết phần thuế VAT phải hoàn vào thuế thu nhập DN của kỳ sau thì bản chất cơ quan thuế đã “giam lỏng” nguồn tiền đáng ra phải trả lại cho DN để họ có vốn ngắn hạn mà sản xuất kinh doanh. Việc làm này thực tế chỉ tiện lợi cho cơ quan quản lý, như một hình thức “nắm đằng chuôi” nhưng lại gây thiệt hại rất lớn cho cộng đồng DN.
Theo tính toán của Bộ Tài chính với các quy định mới về hoàn thuế được áp dụng từ ngày 1/7, tổng thể quỹ hoàn thuế năm 2016 có thể sẽ giảm chi khoảng 5.250 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi do bỏ quy định hoàn thuế với các DN có thuế VAT đầu vào âm liên tục 12 tháng là 4.000 tỷ đồng. Con số này là một số vốn tiền mặt khá lớn mà đáng ra DN phải được hoàn lại để bổ sung vào quỹ vốn lưu động.
Như vậy trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, không tăng phí, lệ phí, thuế, thì những quy định siết lại về hoàn thuế VAT dường như “chưa trúng” với tinh thần hỗ trợ DN mà Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc. Trong đó, nhất là những hỗ trợ liên quan đến tài chính như thuế, phí, lãi suất vay ngân hàng và các ưu đãi về nguồn vốn cho DNNVV.