Tiếp cận thành phố thông minh
Doanh nghiệp là trọng tâm để phát triển TP.HCM | |
Bình Dương sẽ sớm hiện thực hóa thành phố thông minh | |
Chính quyền số và chiến lược xây dựng Thành phố thông minh |
Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó không chỉ là mong ước của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mà còn là kỳ vọng của mỗi người dân thủ đô.
Hà Nội xúc tiến cho thành phố thông minh |
Trên cơ sở “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng với 3 trụ cột chính là Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống giao thông thông minh và Hệ thống du lịch thông minh.
Như đã biết, một đô thị thông minh bền vững là một đô thị sáng tạo sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả vận hành và các dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của đô thị, đồng thời bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo đó, đề án xác định ba giai đoạn phát triển gồm: Hiện đại hóa đô thị áp dụng các gói giải pháp ICT; Phát triển đô thị thông minh phục vụ các tầm nhìn, mục tiêu của Nhà nước và không chỉ giới hạn ở các phương tiện ICT; Bổ sung và chú trọng sự tham gia của người dân, hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, minh bạch trong quản lý đô thị và các mục tiêu bền vững.
Nhận thức tầm quan trọng của xu thế này, trong những năm gần đây, bên cạnh đưa ra định hướng phát triển, chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai những bước đi ban đầu để phát triển đô thị thông minh; xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng để phát triển đô thị thông minh. Bước đi tiếp theo là thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn thành phố; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai theo mô hình tập trung, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Nhằm đảm bảo mọi công việc thông suốt, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố do Chủ tịch UBND thành phố là Trưởng ban. Với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ...
Và việc lựa chọn phương thức và các bước cũng phải phù hợp với nguồn lực tài chính và nhân lực của riêng thành phố Hà Nội. Theo đó, tài chính có thể huy động được, nhưng tài lực thì cần phải có chính sách riêng, chỉ có như vậy, con người mới trở thành trung tâm của đô thị thông minh.
Để có thể hình thành các tổ hợp trung tâm dữ liệu lớn nhất toàn quốc tại Hà Nội, bao gồm 6 tổ hợp trung tâm dữ liệu với tổng công suất 1.200MW, thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua liên kết, ký kết các thỏa thuận hợp tác, tiếp xúc, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Cùng với đó, là huy động nguồn lực con người từ sẵn có cho đến việc tăng cường đào tạo, đào tạo lại, kết nối với mạng lưới các nhà khoa học, trí thức trẻ nhằm xây dựng, dần hình thành nên thế hệ công chức điện tử, đủ khả năng vận hành thông suốt thành phố thông minh.
Mới đây, thành phố vừa tiếp tục ban hành Kế hoạch hình thành Trung tâm Điều hành thông minh với 8 trung tâm chức năng. Theo đó, trong năm 2019, tập trung triển khai Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công thành phố.
Bên cạnh đó, hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, triến khai một số thành phần cơ bản của y tế thông minh, giáo dục thông minh, môi trường thông minh, nông nghiệp thông minh...
Song yếu tố quan trọng nhất cho mọi thành phố thông minh vẫn cần sự nhập cuộc mạnh mẽ của mỗi người dân và doanh nghiệp, bởi họ vừa là trung tâm, là mục tiêu hướng tới của mọi xã hội vừa là người trực tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh. Vì vậy việc xây dựng mối quan hệ với mỗi người dân là điểm mấu chốt, quan trọng trong phát triển hệ sinh thái thành phố thông minh, từ đó tạo nên một xã hội thông minh.
Đặc biệt, cần chú trọng chăm lo sức khỏe và nâng cao kiến thức, nhận thức của người dân, chỉ khi có cuộc sống lành mạnh, sự hiểu biết thấu đáo thì thành phố thông minh mới thực sự phát triển bền vững được.