TP.HCM: Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Liên kết tiêu thụ nông sản sạch |
Để tránh chuyện “được mùa-mất giá” của người nông dân, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ, trong đó mô hình liên kết đầu tư vốn của DN với đơn vị sản xuất, HTX, nông dân được phát triển để tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa sản xuất trong nước.
TP.HCM đã chủ động kết nối cung cầu bằng cách tìm kiếm, chọn lọc được nhiều DN tham gia bình ổn thị trường |
Với hơn 10 triệu dân, mỗi năm TP.HCM cần khoảng 700.000 tấn gạo, 216.000 tấn thịt lợn, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỷ quả trứng gà, vịt, gần 2 triệu tấn rau củ, quả các loại và 132.000 tấn thủy hải sản… Nguồn nông sản do thành phố tự cung ứng tương đối hạn chế, chỉ chiếm khoảng 15%; còn lại chủ yếu là từ các địa phương trên cả nước.
Chính vì vậy, để cân đối cung cầu, TP.HCM đã tiên phong triển khai Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, thành toàn quốc, nhất là các tỉnh phía Nam. Trong đó, điểm nhấn là hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc.
Từ chương trình này, các địa phương sẽ phát huy được sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thế mạnh trên địa bàn mình khi có một thị trường lớn như TP.HCM. Những tỉnh miền Tây Nam bộ chọn lọc và phát triển các mặt hàng thế mạnh mang tính đặc trưng như gạo hữu cơ, phở, hủ tiếu, bún, trái cây, củ, quả sấy; thủy sản chế biến; thủ công mỹ nghệ: hoa kiểng… Trong khi đó, Bến Tre tích cực hỗ trợ các đơn vị sản xuất kết hợp chỉ dẫn địa lý với thương hiệu doanh nghiệp lớn, tái cơ cấu ngành và cải thiện cơ chế quản lý theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường. Vừa qua, dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre đã được xem là sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tại TP.HCM. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cấp chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm này kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đại diện hệ thống siêu thị Big C Việt Nam và Central Group Việt Nam cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ người nông dân. Theo thống kê, trong nhiều năm qua, 2 tập đoàn này thường triển khai các chương trình thu mua và bán hàng không lãi đối với các sản phẩm nông nghiệp của nông dân các địa phương. Cụ thể, như việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ bí đỏ, củ cải trắng, thịt lợn, dưa hấu, chuối già hương…
Ngoài ra, Central Group Việt Nam và Big C còn tích cực triển khai quảng bá thương hiệu cho các loại trái cây thông qua các Tuần lễ Vải thiều Bắc Giang; Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên…
Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Trung tâm thương mại LOTTE Việt Nam (LOTTE Mart Việt Nam) khẳng định, luôn ủng hộ tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại LOTTE Mart hiện có đến 95% là các sản phẩm xuất xứ nội địa, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm đa dạng. Với chính sách này, LOTTE Mart không chỉ giải bài toán đầu ra giúp nông dân mà còn mang đến nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn, giá cả tiết kiệm đến với các khách hàng.
Không chỉ vậy, để tránh thực trạng người sản xuất khó tìm đầu ra nên không dám mạnh dạn đầu tư, quy mô nhỏ lẻ, nguồn hàng cân đối cung cầu không ổn định, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, TP.HCM đã chủ động kết nối cung cầu bằng cách tìm kiếm, chọn lọc được nhiều DN các tỉnh, thành tham gia bình ổn thị trường.
“Hiện chương trình đã kết nối thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng gồm: các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị… Đặc biệt, DN TP.HCM đã liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch ở các tỉnh và TP.HCM với khoảng 2.500 tỷ đồng mỗi năm để sản xuất sản phẩm chất lượng cung ứng thị trường”, bà Trang cho biết.