Triển vọng tăng trưởng và lạm phát 2019
Lo cho tăng trưởng | |
Lạm phát và ẩn số điện, xăng |
Sản xuất điện thoại, điện tử không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng như trước |
Tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu
Sau khi kinh tế quý I đạt tốc độ tăng trưởng 6,79%, lạm phát bình quân ở mức 2,63%, hầu hết các dự báo mới nhất của các tổ chức trong nước đều nhận định tăng trưởng GDP năm nay sẽ nằm trong tầm mục tiêu 6,6-6,8% đặt ra, thậm chí có thể vượt nhẹ; lạm phát cũng trong tầm kiểm soát. Một số dự báo mới nhất đáng chú ý như: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 6,88%, lạm phát 3,71%; Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) dự báo tăng trưởng đạt 6,86%, lạm phát 3,71%; Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng ở mức 6,6-6,8% (trong đó, 6 tháng đầu năm dự báo tăng trưởng đạt 6,8-6,9% so cùng kỳ năm 2018 và lạm phát trong khoảng 3,1-3,3%).
Tuy nhiên, các tổ chức nước ngoài dự báo tăng trưởng có phần kém khả quan hơn. Trong đó, ADB đưa ra mức dự báo cao nhất, theo đó tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8% (lạm phát 3,5%); IMF dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,5% (lạm phát 3,1%); HSBC dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,6% (lạm phát 3,1%); WB dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,6% (lạm phát 4%).
Theo nhận định của NCIF, động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại của năm 2019 tiếp tục dựa vào khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo và cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, động lực khác đến từ cầu tiêu dùng tăng trưởng tốt; các động lực được tạo ra từ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khả năng thúc đẩy xuất, nhập khẩu nhờ các FTA như CPTPP mới có hiệu lực và EVFTA đang chờ ký phê chuẩn và tận dụng bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để xuất khẩu các nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may, thuỷ sản…
Ngoài ra, kỳ vọng vốn đầu tư phát triển trong năm nay cũng có những tiến triển thuận lợi khi Chính phủ tiếp tục thúc đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng vẫn hiện hữu với tăng trưởng mạnh của vốn FDI vào các lĩnh vực trọng tâm, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư, cán cân thương mại dịch vụ thâm hụt nhẹ…
Việc chỉ số PMI tháng 3 tăng nhẹ lên mức 51,9 điểm với số lượng đơn đặt hàng mới tăng cũng tạo ra kỳ vọng lạc quan về tăng trưởng của ngành sản xuất trong những tháng tiếp theo.
“PMI tháng 3 tăng nhờ sản lượng sản xuất và đơn hàng xuất khẩu mới tăng đáng kể. Nó cũng cho thấy sự lạc quan của các nhà sản xuất về triển vọng nhu cầu tăng của thị trường và họ tăng đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất. Hơn nữa, dòng vốn FDI tăng đáng kể từ đầu năm đến nay sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng trong nước dù có “những cơn gió ngược” từ bên ngoài tác động vào”, báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô (KTVM) Việt Nam của HSBC mới đây nhận định.
Áp lực lạm phát đòi hỏi tiền tệ phải chặt chẽ hơn |
Áp lực không hề nhỏ
Những dự báo đã được đưa ra từ đầu năm nay và nhất là với thực tiễn hoạt động kinh tế trong quý I, có thể thấy các áp lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là không hề nhỏ. Trong đó, một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế như điện thoại, điện tử… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như trước đây.
Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực nông, lâm, thủy sản cũng được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức và khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ do các yếu tố nhu cầu giảm (đặc biệt từ thị trường Trung Quốc), cạnh tranh gay gắt hơn, các tiêu chuẩn ngày càng chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở mảng dịch vụ, tăng trưởng chậm lại một phần do tăng trưởng ngành du lịch giảm tốc, trong đó lượng khách từ Trung Quốc giảm là nguyên nhân chính. Ba tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đã giảm -5,6%, kéo tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam giảm xuống chỉ còn tăng 7% (trong khi cùng kỳ tăng 30,9%).
Bên cạnh các thách thức và áp lực từ bên ngoài (mà tác động trực tiếp và lớn nhất là đến xuất khẩu) thì trong nước, các yếu tố có thể khiến tăng trưởng gặp trở ngại như vấn đề môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản; chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hóa, thoái vốn DNNN; Sự gắn kết yếu với khu vực FDI, với DN trong nước và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực DN trong nước, nhất là DNNVV còn hạn chế…
Theo báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố mới đây, nhìn sang các quý tiếp theo, nông nghiệp, du lịch nhiều khả năng sẽ tăng thấp vì rất khó để sớm tìm được thị trường thay thế cho Trung Quốc. Mảng điện thoại sẽ tiếp tục kéo lùi tăng trưởng nếu không có những đột phá về sản phẩm hay dự án mới. Một số ngành công nghiệp có tăng trưởng cao trong thời gian vừa qua như tinh chế dầu mỏ (dự án lọc dầu Nghi Sơn) cũng khó kỳ vọng tạo ra tăng trưởng cao đột biến từ nửa cuối 2019…
“Như vậy nhiều khả năng tăng trưởng thấp sẽ không chỉ dừng lại ở quý I mà còn kéo dài đến hết năm”, báo cáo này nhận định.
Trong khi đó, lạm phát cũng đang chịu áp lực khá lớn. Bên ngoài là do giá dầu thế giới tăng tạo áp lực lên tăng giá xăng, dầu trong nước. Thực tế trong tháng 4 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã có 2 lần được điều chỉnh tăng mạnh. Diễn biến giá dầu thế giới thời gian tới rất khó dự báo và đây sẽ là một trong những biến số cần được theo dõi rất sát để có những tính toán, điều chỉnh hợp lý với lộ trình tăng giá của các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng như tránh được tác động lan truyền, nguy cơ “té nước theo mưa” và tâm lý lạm phát kỳ vọng.
Chưa kể, giá lương thực tăng, dịch tả lợn châu Phi có thể đẩy giá các mặt hàng thực phẩm khác tăng, lương cơ bản sắp tăng, giá dịch vụ y tế, giáo dục có lộ trình tăng tại một số địa phương… và đợt điều chỉnh tăng giá điện vừa qua có thể đẩy áp lực lạm phát tăng cao hơn trong những tháng tới.
“Sức ép lạm phát cao do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế. Việc điều chỉnh giá bán điện (tăng 8,63%) được thực hiện từ cuối quý I sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng, qua đó tác động bất lợi đến tăng trưởng từ quý II. Nế́u cộng hưởng việc điều chỉnh giá điện với điều chỉnh giá xăng dầu gần đây thì tác động suy giảm tăng trưởng có thể lớn hơn so với dự báo (dự kiến làm giảm GDP khoảng 0,6-0,8%)”, NCIF cảnh báo.
Và những giải pháp đặt ra
Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với ổn định KTVM trong quý II và cả năm 2019, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, điểm mấu chốt quan trọng nhất là cần kiên định với mục tiêu tăng trưởng, chú trọng ổn định KTVM, kiềm chế lạm phát. Cùng với đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế thế giới, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, giá cả và chính sách tiền tệ, xây dựng lộ trình tăng giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý từ nay đến cuối năm một cách hợp lý, không tăng giá một cách dồn dập.
Đồng thời, tiếp tục trung hòa các lượng tiền trong nền kinh tế nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cần theo dõi, tính toán đến tác động gián tiếp của việc tăng giá điện, giá xăng dầu lên các hàng hóa khác và xem xét việc sử dụng các biện pháp bình ổn phù hợp và kịp thời, song song với đó là kiên quyết xử lý dứt điểm dịch tả lợn châu Phi, không để bùng phát thêm ổ dịch mới, đảm bảo ổn định giá cả các mặt hàng thực phẩm có liên quan. “Công tác điều hành lạm phát, ổn định KTVM cần được chú trọng hơn bao giờ hết”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó chuyên gia này cho rằng, cần tập trung vào 6 động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019, bao gồm: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông – lâm – thủy sản; Tăng cường tận dụng cơ hội từ hiệp định CPTPP và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để đa dạng hóa, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu; Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến – chế tạo, thông qua theo dõi, bám sát hoạt động của các DN, dự án lớn (như Samsung, Formusa, hóa dầu Bình Sơn, lọc dầu Nghi Sơn….) để tháo gỡ vướng mắc kịp thời;
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, trong đó có các giải pháp đối với du lịch để phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra; Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường kinh doanh; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khuôn khổ pháp lý thực sự kiến tạo để phát triển nền kinh tế số như Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0, Chiến lược Tài chính toàn diện, sửa Nghị định 86 về kinh doanh vận tải, xây dựng quy định (thử nghiệm) đối với các hoạt động Fintech, cho vay ngang hàng…
Còn theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân của SSI, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì khi thế giới diễn biến không thuận lợi, việc tăng trưởng chậm lại là điều hoàn toàn có thể hiểu được. “Để giải quyết được vấn đề này thì cần tiếp cận ở 2 hướng: Một là, khi bên ngoài bất lợi thì chuyển hướng dựa nhiều hơn vào nội lực và hai là, dù bên ngoài bất lợi nhưng vẫn phải biết tận dụng thời cơ và nỗ lực mở rộng thị trường”, ông Linh nêu quan điểm.
Trong đó, nội lực từ phía Nhà nước là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trong đó, chính sách tiền tệ cần nhất quán, tăng trưởng tín dụng nên ở mức vừa phải (12-14%) để giữ thanh khoản và giảm lãi suất. Trong khi đó, CSTK cần được tận dụng triệt để, đặc biệt khi còn tồn một lượng tiền lớn chưa giải ngân và tiền thu về từ thoái vốn nhà nước. “Đầu tư mạnh cho hạ tầng là cách khả thi và hiệu quả nhất từ phía Chính phủ để vừa kích thích kinh tế trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng cho tăng trưởng tương lai (với điều kiện phải đảm bảo tính minh bạch của đầu tư công)”, vị này nêu quan điểm.
Nội lực từ phía tư nhân là khối DN tư nhân và sức cầu tiêu dùng. Phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 10 là một bước đi đúng đắn và phù hợp quy luật lịch sử. Để biến Nghị quyết 10 thành thực tế chúng ta cần có những mục tiêu cụ thể, ví dụ như phát triển một "Đàn Sếu Lớn" với 30 DN tư nhân có thị phần và tầm ảnh hưởng trong khu vực vào năm 2030. Với sức cầu tiêu dùng, vẫn có cách "kích cầu" ngay cả khi không có nới lỏng tiền tệ, đó là thực hiện bảo hộ. Xu hướng hiện tại và cả trong tương lai đó là bảo hộ sẽ song hành cùng tự do thương mại.
Trong khi đó, mở rộng thị trường xuất khẩu là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa dài hạn bởi để có tăng trưởng cao và bền vững thì hướng đi là phải xuất khẩu được ra toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này cần sự góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và DN để xây dựng những chiến lược đúng cho từng ngành, từng sản phẩm.
“Tăng trưởng chậm của năm 2019 vì thế sẽ là không bất ngờ. Tăng trưởng chậm chính là cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế và nhìn lại những chính sách đã thực hiện thay vì vội vã kích thích với những hệ lụy khó lường. Năm 2019 vẫn cần được coi là một năm tích lũy, rà soát, củng cố nội lực, tạo bàn đạp để tăng tốc trong các năm tiếp theo”, ông Linh nói.