Từ ví điện tử nhìn về thanh toán không dùng tiền mặt
Thúc đẩy chi tiêu không dùng tiền mặt | |
Không dùng tiền mặt, NH “cô đơn” | |
Để giảm thanh toán tiền mặt |
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông của Việt Nam trong những năm gần đây có thể được ví như những cơn bão “càn quét” mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đặc biệt, sự phát triển của CNTT tỷ lệ thuận với sự “lên ngôi” của thương mại điện tử. Cùng với nhiều hình thức khác, ví điện tử được xem là một trong những công cụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) phổ biến trên thế giới.
Từ đầu năm đến nay, rất nhiều ví điện tử đã được ra mắt trên thị trường Việt Nam. Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn FPT đã chính thức ra mắt dịch vụ trung gian thanh toán Ví FPT, xuất phát từ dịch vụ thanh toán trực tuyến Senpay trước đây của website thương mại Sendo.vn. Đây là đơn vị thứ 16 được NHNN cấp phép cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán.
Trước đó, Mobifone cũng đã giới thiệu Ví điện tử Vimo; VTC với Ví điện tử VTC Pay; CTCP Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Vietnam Esports) cũng đã trình làng Ví điện tử TopPay vào tháng 3/2016...
Đẩy mạnh TTKDTM là một trong những mục tiêu hàng đầu của kinh tế Việt Nam |
Ứng dụng ví điện tử được NHNN cấp phép theo Thông tư 39/2014/TT-NHNN, quy định rõ về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật. Song thực tế ví điện tử đã có thời gian được phát triển thử nghiệm cách đây khoảng 4 - 5 năm nhưng cho đến nay, vị trí của ví điện tử so với các hình thức thanh toán khác, đặc biệt là thanh toán bằng tiền mặt vẫn được nhận định là chiếm tỷ lệ khiêm tốn, dù đã có sự gia tăng.
Một trong những nguyên do lý giải cho việc dù lợi ích mang lại là rõ ràng, nhưng người dân Việt Nam vẫn chưa thực sự “mặn mà” với ví điện tử. Thanh toán bằng tiền mặt vẫn là thói quen “cố hữu” của người Việt trong giao dịch hàng ngày.
Hiện tại dù các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử đã nâng cao tính năng, chủ động quảng bá rộng rãi hơn nhưng lại rơi vào trường hợp DN liên kết với các website thương mại điện tử cung cấp dịch vụ mua sắm nhưng lại không đảm bảo được chất lượng sản phẩm cung cấp tới khách hàng. Chưa kể có những khách hàng cũng phàn nàn về vấn đề chính sách hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Đặc biệt khâu bảo mật cũng khiến cho người sử dụng ví điện tử còn e ngại.
Tuy nhiên cũng phải khẳng định thực tế TTKDTM là xu thế phát triển tất yếu. TTKDTM là yêu cầu đặt ra trong một môi trường kinh tế hiện đại, là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động và dịch vụ thanh toán, đem lại lợi ích tổng hoà cho nền kinh tế.
Khi TTKDTM phổ biến, nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực, NH cũng tiết giảm được chi phí trong việc bảo quản, kiểm đếm hay vận chuyển tiền mặt. Còn khách hàng đương nhiên sẽ được hưởng lợi ích tích cực khi không phải quá lo lắng vì giữ quá nhiều tiền mặt.
Với Việt Nam, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về các hoạt động TTKDTM. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành nhiều Quyết định, Thông tư hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực thanh toán, cũng như quy định đối với dịch vụ TTKDTM, dịch vụ trung gian thanh toán...
Để thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thực hiện Quyết định số 2453/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015.
Từ Đề án này, NHNN cũng đã phê duyệt cho ba dự án thanh toán phi tiền mặt ở khu vực nông thôn thông qua: PGBank chuyển tiền qua cửa hàng xăng dầu; Vietcombank phối hợp với M-Service chuyển tiền giá trị nhỏ thông qua Ví điện tử MoMo; hay sự hợp tác giữa MB và Viettel khi triển khai dịch vụ BankPlus.
Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng POS, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông... nhận thanh toán hoá đơn của cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức không dùng tiền mặt. Và 50% cá nhân, hộ gia đình sống tại những đô thị lớn sử dụng TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng.
Mới đây, Vụ Thanh toán (NHNN) cũng đã phối hợp với NH Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Quản lý, giám sát hoạt động uỷ thác trong lĩnh vực thanh toán”. Đây cũng là một trong những nỗ lực của NHNN trong quá trình xây dựng Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.
Rõ ràng, để TTKDTM phát triển thì không chỉ dừng lại ở thói quen của người dân, sự ra đời của các kênh thanh toán trực tuyến… mà trên hết là việc Nhà nước tạo một môi trường pháp lý đầy đủ, có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng phù hợp đem lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
Đến hết 2015, có 16 tổ chức phi NH được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó ví điện tử phát hành là 4 triệu ví, 77 triệu giao dịch với tổng doanh thu là 1,5 tỷ USD. Còn tính đến cuối quý II/2016, tổng số lượng thẻ đã phát hành luỹ kế là 106,03 triệu thẻ với hơn 17.000 máy ATM và hơn 239.000 thiết bị chấp nhận thẻ. |