Tuân thủ các cam kết về lao động: Xu thế tất yếu
Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định CPTPP | |
Sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ đổi mới và hội nhập |
Đúng như tên gọi, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Không chỉ điều chỉnh các vấn đề thương mại truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà CPTPP còn điều chỉnh nhiều vấn đề mới như thương mại điện tử, mua sắm công, lao động, môi trường… Do đó, CPTPP vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung.
Lắp ráp điện tử hưởng lợi từ CPTPP |
Chương Lao động của CPTPP bao gồm những cam kết chung để mọi thành viên thông qua và duy trì được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) như: tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động (Mức thông qua và duy trì là mức độ cam kết cao nhất trong các FTA trên thế giới);…
Bên cạnh đó là cam kết riêng, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong cam kết chung kể từ ngày CPTPP có hiệu lực với Việt Nam; Nếu Việt Nam có vi phạm liên quan tới các cam kết chung trong Chương Lao động, có vi phạm liên quan đến quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, thì các thành viên CPTPP sẽ áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian từ 3 - 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng nhóm lao động, đoàn đàm phán TPP thông tin, theo quy định khi đàm phán và gia nhập hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động. Nếu không tuân thủ các cam kết về lao động sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế suất.
Cụ thể, vào năm 1995 mới chỉ có 3 FTA có nội dung cam kết về lao động (chiếm 7,3%) thì đến năm 2016 đã có tới 77 trong tổng số 267 FTA được ký kết ở 136 quốc gia có nội dung về lao động (chiếm 28,8%). Trong đó, 62% mang tính thúc đẩy, 38% mang tính điều kiện (rơi vào các hiệp định của Mỹ, Canada và EU).
Nghiên cứu của ILO cho thấy có những tác động quan trọng giúp cải thiện bình đẳng giới, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động của phụ nữ và thu hẹp khoảng cách về tiền lương theo giới trong một số trường hợp nhất định. Thêm vào đó, không có bằng chứng nào cho thấy những điều khoản về lao động như vậy làm thay đổi hay suy giảm dòng chảy thương mại hay được sử dụng cho mục đích bảo hộ.
Thậm chí, nghiên cứu của ILO còn chỉ ra rằng hiệp định thương mại có điều khoản về lao động giúp tăng trung bình giá trị thương mại thêm 28%, trong khi những hiệp định không có điều khoản về lao động chỉ giúp tăng trung bình 26%.
Đảm bảo tuân thủ các cam kết về lao động, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP, trong đó có điều khoản về công đoàn. Và sẽ cần từ 3-5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và doanh nghiệp, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh cho rằng, số lượng việc làm sẽ tăng, chất lượng lao động sẽ tăng, năng suất lao động cũng tăng.
Theo đó, từ 2020 trở đi, lượng việc làm được tạo ra cho lao động Việt Nam sẽ đạt khoảng 17-27 nghìn hàng năm. Phân tích cụ thể hơn, có thể thời gian đầu, số lượng việc làm dành cho lao động có tay nghề thấp dự báo sẽ tiếp tục có tăng trưởng đột biến như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất đồ gỗ, lắp ráp điện tử.
Tuy nhiên, quá trình này sẽ xuất hiện sự phân hóa về tiền lương giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa lao động có kỹ năng, trình độ cao với lao động trình độ thấp. Điều này đặt ra thách thức trong các chính sách về lao động việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội… ông Vinh bổ sung thêm.
Để tận dụng được các lợi ích vượt qua những khó khăn, thách thức, và nắm bắt cơ hội phát triển bền vững, nhiều chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần cải cách thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.