TYM: Niềm tự hào của TCVM
Bà Dương Thị Ngọc Linh |
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập và hoạt động của tổ chức này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Ngọc Linh – Tổng giám đốc TYM về hành trình gian nan vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui, sự tự hào.
Thưa bà, được biết ngày 6/10 TYM sẽ tròn 25 năm thành lập, bà có thể cho biết những cung bậc cảm xúc nào mà Ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên TYM đã trải qua để có một tổ chức tài chính vi mô (TCVM) ngày càng chuyên nghiệp, an toàn như hiện nay?
Có thể nói 25 năm vừa qua là một chặng đường mà TYM hình thành và liên tục đổi mới, phát triển. Và đi kèm với những thành công như hiện nay thì chúng tôi cũng phải trải qua không ít thách thức. Mỗi giai đoạn trong thời gian qua đều mang những ý nghĩa riêng và gắn với sự thay đổi về chất trong hoạt động, giúp TYM đứng vững như ngày hôm nay.
Điểm lại giai đoạn đầu tiên từ năm 1992 - 1998, mô hình TCVM ở nước ta còn khá mới mẻ, trước khó khăn của nhiều chị em ở những vùng nông thôn nhất là thiếu vốn để trồng trọt, chăn nuôi, các cấp lãnh đạo của Hội LHPN Việt Nam cũng muốn có một tổ chức tài chính trực thuộc hội để tìm kiếm nguồn vốn cho chị em vay nên đã thí điểm mô hình tổ chức TCVM. Giai đoạn tiếp theo từ năm 1999 - 2005 thì TYM đã khẳng định được mô hình hoạt động của mình là khá hiệu quả và sau đó chúng tôi đã tiến thêm một bước và tự chủ về tài chính, phát triển nhanh trong giai đoạn 2006 - 2009.
Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, khi đã khẳng định được khả năng của mình và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép trở thành tổ chức TCVM chuyên nghiệp thì TYM đã hoàn thiện hơn thể hiện ở việc nâng cao tính chuyên nghiệp và an toàn, đa dạng sản phẩm và dịch vụ.
Bà có cho rằng, khi được NHNN cấp phép thành lập tổ chức TCVM đã buộc TYM phải thay đổi để trưởng thành?
Rất vinh dự cho chúng tôi là năm 2010 TYM đã được cấp phép và trở thành tổ chức TCVM đầu tiên tại Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp. Điều này đã giúp TYM có thêm nhiều cơ hội mới để phát triển và tự vững, đặc biệt các hoạt động đều minh bạch và theo khuôn khổ của pháp luật đã giúp TYM có thêm uy tín đối với khách hàng và các đối tác. Nhờ đó TYM có thể tăng thêm huy động tiền gửi, vay vốn trong nước, nước ngoài.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có cơ hội được mở rộng nhóm đối tượng khách hàng khi TYM có thể huy động tiết kiệm từ công chúng. Riêng với vốn vay, từ những phụ nữ nghèo, yếu thế đến các hộ cận nghèo, thu nhập thấp và cho đến nay TYM đã mở rộng ra cả nhóm đối tượng là các doanh nghiệp siêu nhỏ, mỗi phân khúc thành viên chúng tôi đều có các sản phẩm, dịch vụ và được hưởng ưu đãi khác nhau về lãi suất hoặc về dịch vụ; không những thế chúng tôi cũng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn và các sản phẩm phi tài chính. Điều này cũng đã giúp TYM tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và mở rộng quy mô hoạt động nhanh chóng.
Với hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn, bao gồm chức năng quản lý rủi ro, bộ phận pháp chế, CNTT cũng đã giúp tăng năng suất lao động của cán bộ, từ đó đóng góp vào hiệu quả chung của tổ chức.
Hiện nay tỷ lệ tự vững vận hành (OSS) của TYM đạt 137%, tỷ lệ tự vững tài chính đạt 126%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 32,7% và tỷ lệ khả năng chi trả đạt 47%, tỷ lệ hoàn trả đạt 99,99% qua các năm. Đây đều là những con số tương đối tốt trong lĩnh vực TCVM Việt Nam.
Cán bộ TYM đến thu tiền của các thành viên vay vốn tại xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc |
TYM có gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu khi trở thành tổ chức TCVM chuyên nghiệp chính thức, thưa bà?
Có thể nói quá trình chuyển đổi là một giai đoạn lâu dài và thay đổi liên tục của TYM để có thể đáp ứng được yêu cầu của NHNN. Là tổ chức đầu tiên nộp hồ sơ chuyển đổi mô hình bán chuyên nghiệp sang mô hình chuyên nghiệp, TYM không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm của những tổ chức khác khiến cho việc tiến hành chuyển đổi cũng mất khá nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu và thực hiện.
Hơn nữa với nguồn lực có hạn, việc chuyển đổi liên quan đến thay đổi cơ cấu, tổ chức, nguồn vốn khiến TYM gặp không ít khó khăn. Rất may mắn trong giai đoạn này TYM nhận được sự ủng hộ của Hội LHPN Việt Nam và các đối tác thân thiết như SBFIC, CARD, IFC và Blue Orchard.
Vào thời điểm TYM thực hiện chuyển đổi, các văn bản quy định liên quan đến TCVM của nhà nước còn nhiều bất cập và chưa đầy đủ cũng là một trong những khó khăn. Dần dần các văn bản cũng đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đây sẽ là một điểm thuận lợi cho các tổ chức TCVM thực hiện chuyển đổi sau này.
Bà có thể chia sẻ một số định hướng phát triển của TYM trong thời gian tới về quy mô, mạng lưới, sản phẩm dịch vụ?
Chúng tôi đã có một nền móng vững vàng sau 25 năm và thời gian tới TYM sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn sang các tỉnh lân cận, đặc biệt có thêm một số tỉnh phía Nam qua việc sáp nhập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam vào TYM. Mạng lưới của TYM sẽ mở rộng, trung bình thu hút 20-25 nghìn thành viên mới/năm.
Để phục vụ được thành viên hiện tại và tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn, đặc biệt đẩy mạnh huy động tiết kiệm và vay vốn từ các tổ chức trong nước. Các sản phẩm và dịch vụ của TYM sẽ được điều chỉnh phù hợp với những thay đổi nhu cầu của thành viên. Chúng tôi cũng thiết kế nhiều sản phẩm chuyên biệt cho từng nhóm khách hàng như vốn cho chuỗi giá trị nông nghiệp, vốn phục vụ mục đích phòng chống và ứng phó với rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, hợp tác với các TCTD trong nước cũng là một hướng đi mới chúng tôi đang thúc đẩy để mang lại sự thuận lợi và lợi ích tối đa cho khách hàng.
Xác định hệ thống công nghệ thông tin là yếu tố hỗ trợ then chốt cho phát triển, nên TYM cũng đã đầu tư xây dựng theo giải pháp ngân hàng lõi. Chúng tôi tin hệ thống này không chỉ giúp quản trị tổ chức hiệu quả, an toàn hơn mà còn tạo đà vững chắc cho những đổi thay lớn trong cách thức hoạt động của TYM trong tương lai.
100% khách hàng vay vốn hiện nay của TYM đều là các chị em. Tính đến nay TYM đã phát hơn 1 triệu lượt vốn vay và thực tế cho thấy tỷ lệ hoàn trả của TYM luôn đạt được ở mức 99,99%.
Xin cảm ơn bà!