Vệ sinh an toàn thực phẩm: Kiên quyết tránh kiểu “đánh trống bỏ dùi”
Chuyện chưa bao giờ cũ
Có thể nói, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề “nóng”, được quan tâm đặc biệt và có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội.
Chính vì thế, để hạn chế và tiến tới xóa bỏ vấn nạn này, cách đây 20 năm, các cơ quan chức năng đã phát động Tháng VSATTP lần đầu tiên, và Chỉ thị số 08/1999/CT-TTG ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo VSATTP là một văn bản pháp quy sớm nhất điều chỉnh vấn đề này. Nó có ý nghĩa lớn trong việc huy động các nguồn lực cùng các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội vào cuộc.
Vệ sinh an toàn thực phẩm có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội |
Tuy đã có những tiến bộ nhất định, song hiện nay, tình hình ATTP ở nước ta vẫn còn nhiều phức tạp như sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn, vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, các điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu. Cùng lúc, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều nguyên nhân của tình trạng trên đã được chỉ ra, mà một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao do sự nhận thức yếu kém, vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh.
Chính vì vậy, để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã chọn chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2019 là “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Tháng hành động vì ATTP năm 2019 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 trên phạm vi cả nước. Trong khuôn khổ đó, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai.
Đặc biệt, 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập, thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các Bộ liên quan như Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cũng tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.
Tại các địa phương, cùng với việc tổ chức thanh, kiểm tra, hoạt động truyền thông được chú trọng từ việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP.
Các cơ quan thông tấn, báo chí được huy động tham gia chiến dịch truyền thông, phát hiện, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật trên địa bàn nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Việc công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng được thực hiện nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Tháng hành động được tổ chức nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.
Các hoạt động này nhằm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu; nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng.
Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2018 cho thấy, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm.
Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội "Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm" và một số tội danh khác có liên quan đến an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, với số tiền gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Để góp phần giải quyết tốt bài toán về VSATTP, cần tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín, đạt các tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap đã công bố; Sản xuất phải gắn với hệ thống phân phối thành chuỗi khép kín, có địa chỉ cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm sản xuất qua các công đoạn và tới tay người tiêu dùng cuối cùng.
Hệ thống phân phối cần kết nối chuỗi với các cơ sở sản xuất thực phẩm sạch, kinh doanh có trách nhiệm mở cửa hệ thống bán lẻ một cách rộng rãi, không phiền hà, tốn chi phí, chiết khấu, chi phí bôi trơn để sản phẩm sạch có thể dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Điều cần nói thêm rằng, thực phẩm có hàng chục nghìn mặt hàng trên thị trường, thực sự là chúng ta chưa đủ sức để quản lý tất cả các mặt hàng hiện có, do đó hãy tập trung nhân lực, tài lực, vật lực để các ngành cùng phối hợp để quản lý tốt một số mặt hàng có khối lượng tiêu thụ lớn, thiết yếu nhất cho đời sống xã hội hay xảy ra mất VSATTP như gạo, thịt, cá, rau, hoa quả.