Việt Nam đang trở thành điểm kinh doanh hấp dẫn
Cơ hội đã rõ, tận dụng có thành? | |
Hội nhập: Không nên “thách thức hóa” các cơ hội | |
Thị trường tài chính và thách thức hội nhập |
Nhận định các hiệp định thương mại siêu khu vực như TPP, FTA Việt Nam – EU, hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… sẽ tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích, nhưng các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất lớn để hiện thực hóa các cơ hội.
Không lo tăng trưởng tín dụng nóng
Chia sẻ tại hội thảo “Triển vọng Thương mại và Kinh tế” do HSBC Việt Nam tổ chức ngày 17/3/2016 tại Hà Nội, ông Douglas Lippoldt, chuyên gia kinh tế cao cấp của Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC cho rằng, mặc cho bối cảnh toàn cầu đầy khó khăn nhưng niềm tin vào thị trường Việt Nam đang được khôi phục. Việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam – EU… sẽ thúc đẩy thương mại Việt Nam phát triển.
Viễn cảnh kinh tế Việt Nam thời điểm hiện nay khá tích cực. Theo dự báo của HSBC, trong nhóm những thị trường mới nổi ở châu Á, tăng trưởng GDP của Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Ấn Độ, với mức tăng khoảng 6,7-6,8% trong năm nay.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, Sony… cho biết rất tự tin khi đầu tư tại Việt Nam và xu hướng các tập đoàn đa quốc gia “đổ bộ” vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ được duy trì trong những năm tới. Lợi thế chi phí thấp và tự do hóa mạnh mẽ (thể hiện qua việc tham gia hàng loạt các FTA với các cam kết hội nhập cao) đang giúp Việt Nam trở thành điểm kinh doanh hấp dẫn.
Nhu cầu nội địa phục hồi tốt giúp GDP tăng trưởng cao hơn |
Một yếu tố khác đang góp phần đưa GDP của Việt Nam tăng trưởng cao hơn cũng được các chuyên gia của HSBC chỉ ra là nhu cầu nội địa đang có sự phục hồi tốt.
Nếu những năm trước, đầu tư luôn đóng vai trò lớn hơn trong tăng trưởng GDP thì nay nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Năm vừa rồi, doanh số bán xe ô tô của Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng, với gần 250.000 xe ô tô các loại được bán ra thị trường. Điều này cho thấy, xu hướng tiêu dùng đang tăng mạnh hơn.
Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng (TTTD) đã ấm trở lại, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh cùng với quyết tâm giải quyết bài toán nợ xấu của NHNN… cũng giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là những cơ sở tạo nên bức tranh lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam cho đến thời điểm này.
Với tốc độ tăng trưởng GDP và TTTD đang tăng lên trong những năm trở lại đây, có ý kiến tại hội thảo đặt câu hỏi liệu Việt Nam có quay trở lại tình trạng TTTD nóng và gây ra hệ lụy nợ xấu như trước đây?
Theo bà Izumi Devalier - Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC: TTTD dù có tăng qua các năm nhưng vẫn dưới mức 20% nên không đáng lo ngại. “Việc NHNN đặt mục tiêu TTTD 18-20% trong năm nay chính là một trong những cơ chế để khống chế, đảm bảo tốc độ TTTD không quá nhanh và nóng. Tôi nghĩ đây là một quyết định đúng đắn” – chuyên gia này nhận định.
Nhiều lợi thế sẽ mất đi
Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu bức tranh kinh tế đó có thực sự tốt đẹp không và kéo dài trong bao lâu? Bà Izumi Devalier cho rằng, điều đó còn phụ thuộc vào khả năng giải quyết những thách thức trong tương lai. Trong đó về ngắn hạn, lạm phát và tỷ giá là những vấn đề cần quan tâm.
Với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo cao hơn, nhu cầu nội địa hồi phục mạnh hơn và những biến động nhất định (theo xu hướng tăng) về giá dầu mỏ, lương thực và điều chỉnh giá các hàng hóa dịch vụ thì khả năng lạm phát cũng sẽ tăng lên và có thể vượt mức mục tiêu đặt ra vào cuối năm 2016. Điều này đòi hỏi NHNN có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ một chút trong vào nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá dù đã ghi nhận tính linh hoạt và chủ động hơn khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm nhưng những áp lực bên ngoài vẫn còn, đặc biệt là trong trường hợp NHTW Trung Quốc (PBoC) phá giá mạnh. Các chuyên gia cảnh báo cần theo dõi rất sát sao động thái của PBoC.
Trong trung và dài hạn, các lợi thế của Việt Nam hiện nay như tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ sẽ mất dần. Thay vào đó, cần dựa vào các yếu tố bền vững hơn, đặc biệt là tạo lập được một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách khu vực DNNN, tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân và hội nhập các DN trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Izumi Devalier chia sẻ, một trong những điều làm cho bà cảm thấy rất ấn tượng là việc dù là nước nhỏ, đang phát triển nhưng Việt Nam đã quyết tâm tham gia những hiệp định chất lượng cao như TPP .
“Điều đó chứng tỏ tham vọng, sự dũng cảm, mạnh mẽ của Việt Nam và điều này về mặt dài hạn sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động” – vị chuyên gia này nhận định và cho biết thêm: “Chúng tôi làm việc ở Hồng Kông và vừa qua nhận được rất nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài về bối cảnh chính trị của Việt Nam, đại loại như liệu sau bầu cử vừa qua và một tân Chính phủ sắp tới thì liệu có thay đổi chính sách gì không? Tôi trả lời họ là đừng có lo, Việt Nam chỉ có tốt hơn mà thôi”.