Cơ hội đã rõ, tận dụng có thành?
Ảnh minh họa |
Mặc dù từ khi kết thúc đàm phán đến khi TPP được ký kết và chính thức có hiệu lực cần thêm một thời gian nữa, nhưng đây chính là chặng đường nước rút để các DN Việt Nam hoàn tất các bước chuẩn bị, đẩy mạnh đổi mới để nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường.
Việc có thể tiếp cận các thị trường lớn với mức thuế suất thấp, thậm chí bằng 0% sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng sáng sủa cho nhiều ngành hàng của nước ta, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu. Đây cũng chính là cơ hội vàng cho sản phẩm truyền thống của các làng nghề Việt Nam tiến bước vào sân chơi hội nhập toàn cầu.
Hiện nay cả nước có trên 2.790 làng nghề, thu hút hơn 11 triệu lao động, sản xuất ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau. Trong số đó, có nhiều sản phẩm thủ công của các làng nghề nổi tiếng như: vải tơ lụa làng Vạn Phúc, đồ đồng Ngũ Xã, đồ gỗ Đồng Kỵ, sản phẩm dệt cói Kim Sơn, mây tre đan Phú Vinh, gốm sứ Bát Tràng, dệt thổ cẩm Cơ Tu…
Đây là những sản phẩm truyền thống có chất lượng tốt đã được khẳng định qua thời gian. Các sản phẩm từ làng nghề cũng là nguồn xuất khẩu mang lại giá trị khá cao trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mới đạt 274 triệu USD thì năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ của nước ta đạt trên 1,6 tỷ USD.
Sản phẩm mây, tre, cói của Việt Nam đã có mặt tại 18 quốc gia trên thế giới, trong đó nổi bật là thị trường Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn, đạt 24,4% tổng kim ngạch. Thị trường có kim ngạch lớn thứ hai sau Hoa Kỳ là Nhật Bản đây đều là những thị trường lớn có tham gia TPP.
Bên cạnh những thuận lợi về thuế suất, thị trường các làng nghề Việt cũng phải đương đầu với những thách thức “sống – còn” đó chính là áp lực đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh. Theo một chuyên gia thì “Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sắp tới khi tham gia vào quá trình hội nhập, nhập khẩu vào các nước bạn sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, thách thức lớn đối với các DN là hiện nay, các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia… đang rất phát triển về ngành thủ công mỹ nghệ. Tới đây nếu được tự do thâm nhập thị trường của nhau, thì đây là những đối thủ “đáng gờm” cho chúng ta nếu như không biết tận dụng thế mạnh của mình”.
Bên cạnh đó, 80% cơ sở làng nghề hộ gia đình nhỏ lẻ, sản xuất bằng công nghệ cũ, lâu đời... Do vậy, việc đáp ứng những đơn hàng lớn trong thời gian ngắn là rất khó, trong khi đây là điều kiện cần khi Việt Nam bước vào sân chơi lớn với thị trường rộng mở và đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe của tiến trình hội nhập.
Anh Nguyễn Minh Quang, Giám đốc một công ty đồ gỗ mỹ nghệ tại Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ, một trong những cái yếu của làng nghề Việt hiện nay là không có thương hiệu riêng, nổi bật. Việt Nam có những sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo, có tuổi đời vài trăm năm, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Thêm vào đó, một số mặt hàng thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp vẫn tồn tại một số yếu kém, thua thiệt về mẫu mã, chất lượng so với các nước trong khu vực có chung dòng sản phẩm.
“Trước đây chúng tôi sản xuất đại trà, ở những cơ sở riêng lẻ để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Còn nay, để hội nhập, chúng tôi đang đầu tư các thợ lành nghề lâu năm để hoàn thiện hơn các mặt hàng đặc sắc mang thương hiệu riêng của làng nghề, tuy nhiên việc làm này khá tốn thời gian và tiền bạc. Một số khâu chuyên biệt chúng tôi tổ chức sản xuất tập trung, đưa thêm máy móc thiết bị chuyên dùng vào để hỗ trợ người lao động tăng năng suất sản phẩm” - anh Quang nói.
Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh mới, không có cách nào khác, các DN, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải hạ giá thành sản phẩm, có mẫu mã phù hợp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới: “Muốn làng nghề tồn tại và phát triển thì chúng ta phải sửa đổi những quy định luật pháp, những thể chế để khuyến khích người Việt Nam sản xuất nhiều hàng chất lượng cao, giá thành hạ và hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Đẩy mạnh việc trang bị khoa học công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để sản xuất nhiều hàng có sức cạnh tranh. Đồng thời, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các DN cùng lĩnh vực với nhau”.