Thị trường tài chính và thách thức hội nhập
Nhân tố quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô | |
Giong buồm ra biển lớn | |
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ TPP |
Quá trình hội nhập, đặc biệt với AEC và TPP khiến cánh cửa thị trường rộng mở hơn, dòng vốn luân chuyển dễ dàng hơn.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất nhanh thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại vừa được ký kết. Các nỗ lực cải cách ngành NH hiện nay cũng một phần để chuẩn bị cho sự sẵn sàng của hệ thống trước những hiệp định này cũng như cho khối AEC vừa được thành lập.
Trên thực tế thời gian vừa qua, các DN có vốn đầu tư nước ngoài và NH nước ngoài đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam để đón đầu xu thế này.
Trong khi tăng vốn để “bằng anh, bằng em” như các NH khác trong khu vực là rất khó khăn thì bài toán mấu chốt vẫn là quản trị |
“Xu hướng hội nhập này cũng tạo ra rất nhiều cơ hội khi nhiều DN FDI sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam với nhu cầu đa dạng về các dịch vụ TC - NH. Đây chính là cơ hội để phát triển cho các NH có tiềm lực tài chính mạnh, uy tín, chất lượng dịch vụ tốt” – ông Hải nhận định.
Tuy nhiên, vị CEO của HSBC Việt Nam cũng cho rằng, với việc AEC mở ra sự dịch chuyển vô hạn về vốn, hàng hóa và dịch vụ bao gồm dịch vụ tài chính, các NH tại Việt Nam sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các NH khác trong vùng. Chính điều này sẽ tạo áp lực lên các NH nội để đẩy nhanh tiến trình cải cách, minh bạch hóa thông tin và nâng cao chuẩn mực quản trị DN.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, cạnh tranh tăng chính là yếu tố tích cực để các NH Việt Nam học hỏi, vươn lên. Đấy chính là một trong những cơ hội mà hội nhập mang lại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì đây cũng lại là một thách thức. Bởi gắn với cuộc chơi ấy là dòng tiền, là tinh xảo, sáng tạo và lòng tham nên cũng rất dễ rủi ro. Do đó, với tài chính thì cẩn trọng không bao giờ thừa. Trong đó, đặc biệt phải coi trọng vấn đề giám sát.
TS. Võ Trí Thành cũng ghi nhận, nếu nhìn lĩnh vực TC-NH dưới góc độ đáp ứng những đòi hỏi của hội nhập thì vừa qua NHNN đã làm được 3 việc rõ nét: “Cứu hỏa” - giải quyết những vấn đề tồn tại trước đó của hệ thống (thanh khoản, nợ xấu, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống…); “Bắt đầu nới” cho hoạt động của các NH liên quan đến đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, tín dụng nhưng theo hướng cẩn trọng hơn; “Bắt đầu áp” các chuẩn mực quốc tế.
TS. Thành cho rằng, cần nhìn nhận cạnh tranh là tốt. Vấn đề ở đây là cạnh tranh đó có giám sát được không bởi một mặt nó liên quan trực tiếp đến ổn định tài chính, ổn định KTVM; mặt khác cạnh tranh này còn liên quan đến vấn đề sáng tạo, thủ thuật thì liệu các NH Việt có vươn lên được không và chúng ta có giám sát được hay không.
“Không thể đùa với vấn đề này được vì ngay cả với một nước lớn như Trung Quốc mà chỉ vài tháng mất vài trăm tỷ USD. Như vậy thì việc giám sát này phải áp dụng không chỉ đối với các NH trong nước trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ để cạnh tranh mà còn đối với cả những sản phẩm dịch vụ của các NH bên ngoài đưa vào. Nó phải nằm trong mức độ mở cửa và điều tiết của chúng ta” – TS. Thành cho biết.
Tăng cường giám sát, quản lý bằng pháp luật
Theo TS. Thành, không chỉ nâng cao năng lực giám sát ở trong nước mà còn cần phối hợp tốt với quốc tế, bởi biến chuyển của dòng vốn có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu nên dù có tài đến mấy cũng không thể chỉ tự mình kiểm soát tốt được, nhất là khi rủi ro của TC-NH là những rủi ro có tính lan truyền.
“Tự do hóa tài chính là điều kiện sẽ phải làm nhưng phải có lộ trình và bước đi phù hợp, gắn với đó là năng lực giám sát và phối hợp giám sát quốc tế của cơ quan quản lý. Cái giỏi của nhà quản lý là làm sao để cho thị trường vẫn có dư địa phát triển, sáng tạo, đủ linh hoạt nhưng không buông lỏng để rủi ro khủng hoảng, đổ vỡ” – chuyên gia này khuyến nghị.
Trong khi đó theo ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, để hội nhập và cạnh tranh tốt hơn, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực tái cơ cấu ngành NH để giảm bớt số lượng NH yếu kém sao cho các NH còn lại mạnh hơn về vốn để phục vụ khách hàng. Các NH cần phải tập trung vào việc tạo ra vốn thực bằng cách tăng cường quản lý rủi ro thích hợp và bảo đảm việc định giá rủi ro.
“Thanh khoản giờ đã cao nhưng lại xuất hiện một rủi ro khác là các NH chưa tập trung tạo vốn mà lại sử dụng thanh khoản dư thừa để nới lỏng các tiêu chuẩn tín dụng. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy các NH ở Việt Nam cần hỗ trợ tư vấn thêm cho các DN trong nước, đặc biệt là DNNVV, để giúp họ có thêm cơ hội tận dụng quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu”- ông Nirukt Sapru đề xuất.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, tăng cường khả năng quản trị là yếu tố quan trọng nhất. “Cạnh tranh tăng lên buộc các NH trong nước phải thay đổi để đáp ứng được. Trong khi tăng vốn để “bằng anh, bằng em” như các NH khác trong khu vực là rất khó khăn thì bài toán mấu chốt vẫn là quản trị. Nếu công tác quản trị được triển khai tốt, cùng với các chiến lược kinh doanh đi vào các phân khúc có thế mạnh thì tôi tin các NH Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thành công trong môi trường hội nhập và cạnh tranh ngày càng lớn hơn như hiện nay” – TS. Độ tin tưởng.
Ông Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, cùng với quá trình hội nhập diễn ra ngày càng mạnh thì cần giảm bớt các can thiệp hành chính, thay vào đó là tăng cường quản lý bằng pháp luật. Đây là bước chuyển đổi cần làm và phải làm để có thể quản lý tốt nhất hoạt động trong lĩnh vực TC-NH trong môi trường ngày càng tự do hơn.
Điều này có nghĩa là Nhà nước cần xây dựng được hệ thống khuôn khổ pháp luật mạnh, đảm bảo minh bạch và hướng tới các thông lệ quốc tế để thị trường hoạt động trong khuôn khổ đó, thay bằng việc sử dụng các biện pháp hành chính.
Tất nhiên đây là quá trình chuyển đổi từng bước, không thể một lúc tiến tới hoàn hảo ngay được. Đặc biệt là phải chú trọng đến khâu thực thi những quy định pháp luật đã được đưa ra.