Vực dậy mô hình hợp tác xã
Nâng cao chất lượng quản trị của HTX để sử dụng hiệu quả vốn tín dụng NH | |
“Cầu nối” nông dân với thị trường | |
Hợp tác xã kiểu mẫu |
Theo số liệu của Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến hết năm 2016 cả nước có 19.569 hợp tác xã (HTX), tuy nhiên chỉ có hơn 6.000 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm tỷ lệ khoảng 30,7%. Trước sự hạn chế trong hiệu quả hoạt động của mô hình này, tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả gắn với chuỗi giá trị”, do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 17/8, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi về tổ chức hoạt động cũng như khung chính sách để mô hình HTX phát huy hiệu quả cao hơn.
Để phát triển mô hình HTX cần thoát được mô hình đầu tư manh mún, nhỏ lẻ |
Đánh giá chung về hoạt động của mô hình HTX tại Việt Nam hiện nay, ông Đặng Văn Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã cho biết, mặc dù số HTX hoạt động hiệu quả chỉ chiếm tỷ lệ hơn 30%, song xét một cách tổng thể trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều bất ổn, nợ công cao, ngân sách eo hẹp, các DN hoạt động khó khăn, thì nhìn chung khu vực HTX lại hoạt động khá ổn định.
Cùng với đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh của mô hình HTX đang tăng lên. Mục đích phục vụ thành viên đã bước đầu được các HTX quan tâm và phát huy hiệu quả. Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động trong HTX được tăng lên đáng kể. Trong HTX, các thành viên vừa là chủ, vừa là khách hàng, cùng hoạt động, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, vì vậy không một mô hình kinh tế nào có được sự công bằng, nhân văn như mô hình này.
Bên cạnh đó, Luật HTX ra đời đã tạo thành hành lang pháp lý cho các HTX hoạt động đúng bản chất, phát triển bền vững; số HTX mới thành lập hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả, dần đưa các HTX hoạt động đúng bản chất là phục vụ thành viên, cải thiện đời sống kinh tế hộ thành viên.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều HTX chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật HTX và hoạt động theo đúng bản chất HTX. Đa số các HTX có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém; khả năng huy động vốn của các hộ rất hạn chế; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt, chưa mang tinh thần hợp tác; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Nhiều HTX đăng ký lại hoạt động hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, tư duy bao cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, bảo đảm các quy định của Luật HTX năm 2012.
Ông Bùi Nghị, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã chỉ ra một hạn chế khác là hiện nay chúng ta chưa xây dựng được mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng. Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả chưa triển khai rộng rãi làm cho người dân chưa thực sự tin tưởng vào các lợi ích do HTX mang lại.
Bên cạnh đó, còn có các tồn tại, khó khăn khác về thực hiện pháp luật, chính sách đối với mô hình HTX. Theo đó, việc quan tâm, hỗ trợ đối với các HTX mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa có chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, không có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể cho các HTX trong quá trình thực hiện… Tất cả những hạn chế này khiến cho HTX chưa thực sự trở thành mô hình đầu tư hiệu quả, dù tính ưu việt và nhân văn của HTX đã được công nhận.
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận cho biết, vấn đề cản trở nhất hiện nay là quy mô HTX còn quá nhỏ bé. Hiện toàn tỉnh Bình Thuận có 14 HTX và 2 liên hiệp HTX thanh long, với 251 thành viên tham gia, diện tích hơn 1.500 ha, trong khi tổng diện tích thanh long trên toàn tỉnh là hơn 28.000 ha.
Với quy mô còn nhỏ như vậy, có thể thấy nhìn chung các hình thức liên kết sản xuất trong nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô hàng hoá nhỏ lẻ, chưa đảm bảo chất lượng đồng đều. Tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp, DN thường thông qua thương lái thu gom, đồng thời sự liên kết giữa DN và HTX, thành viên HTX và HTX chưa thực sự gắn kết được lợi ích và trách nhiệm các bên với nhau.
Để mô hình HTX thực sự phát huy hiệu quả, ông Hoàng cho rằng cần thoát được mô hình đầu tư tiểu ngạch, sao cho liên minh chuỗi của mô hình HTX phải chiếm ít nhất 50% sản lượng thanh long toàn tỉnh, tương đương khoảng 15.000 ha, gấp 10 lần hiện nay, thì mới vực dậy được chuỗi giá trị. Còn nếu chỉ hoạt động với quy mô hiện nay thì không thể đủ tầm ảnh hưởng. Do đó công tác tuyên truyền cần nâng lên hàng đầu để các hộ nông dân hiểu và tham gia vào HTX. Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng khuyến nghị vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với các chủ thể tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chưa kịp thời và cần được nâng cao trong thời gian tới.