Hợp tác xã kiểu mẫu
Ảnh minh họa |
Đi lên từ một tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững, song với sự nỗ lực của Ban quản trị trong việc mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên, đến nay Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (Đăk Lăk) có 97 hộ tham gia, với diện tích canh tác 183ha, sản lượng hàng năm khoảng 720 tấn cà phê nhân.
Từ một tổ liên hợp sản xuất nhỏ lẻ, sau gần 10 năm, ngoài việc trồng chăm sóc cà phê, HTX đã phát triển thêm nhiều ngành nghề như chế biến cà phê quả tươi, nhân xô và rang xay cà phê đạt chứng nhận Fairtrade và một số dịch vụ khác.
Đi từ con số không tròn trĩnh của ngày đầu thành lập, hiện HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết có vốn điều lệ trên 1,4 tỷ đồng, với tổng tài sản trên 7 tỷ đồng, doanh thu hàng năm trên 40 tỷ đồng.
Theo đại diện Ban quản trị HTX, ban đầu, hoạt động theo mô hình tổ liên kết sản xuất có rất nhiều hạn chế như tư cách pháp nhân không đầy đủ dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Khi thành lập HTX, chúng tôi có thể mở rộng thị trường, ngành nghề kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con xã viên được tiếp cận các chính sách của nhà nước và các tổ chức, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Mục tiêu của HTX là liên kết các hộ trồng cà phê có cùng nhu cầu được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác cà phê, chế biến, bảo quản, qua đó cùng nhau cam kết ứng dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến của thế giới để gia tăng giá trị sản phẩm.
Mục đích rõ ràng, cộng với tâm huyết nâng cao giá trị cà phê Việt của ban quản trị, HTX đã mang lại thu nhập cao hơn cho các thành viên. Hiện HTX thu hút 97 thành viên tham gia chương trình cà phê bền vững FLO. Trong đó, có 3 hộ thành viên người đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tạo điều kiện và sự gắn kết giữa các thành viên với HTX, đại diện Ban quản trị HTX chia sẻ, sở dĩ HTX luôn thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường nhằm khuyến khích xã viên gắn kết với chương trình sản xuất cà phê bền vững. Cùng đó, trong quá trình sản xuất cà phê HTX luôn tạo mọi điều kiện như hỗ trợ, kiểm tra, giám sát về quy trình kỹ thuật, nếu xã viên nghiêm túc thực hiện đúng những cam kết và thu hái bảo đảm tỷ lệ trái chín 80% trở lên sẽ được thưởng thêm 300 đồng/kg cà phê.
Khi tham gia HTX, các xã viên đều nhận thấy được việc trồng theo mô hình sản xuất bền vững ổn định hơn. Chị Nguyễn Thị Mai, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) chia sẻ, trước đây canh tác theo tập quán nên không hiệu quả. Khi tham gia vào chương trình sản xuất cà phê theo mô hình bền vững, làm đúng quy trình nên thấy tốc độ già hóa của vườn cây chậm hơn nhiều so với trước đây, giá cả bảo đảm và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Mặc dù gặt hái được nhiều thành công, song HTX vẫn còn đối mặt với những thách thức khi hiện tượng biến đổi khí hậu thất thường qua các năm. Vậy nên, để mô hình HTX phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ như thiết kế xây dựng thêm các hồ chứa nước tại vùng quy hoạch trồng cà phê; hỗ trợ các mô hình tưới tiết kiệm nước. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tập huấn để người sản xuất cà phê sử dụng nước một cách hợp lý.