“Cầu nối” nông dân với thị trường
Hợp tác xã kiểu mẫu | |
Hợp tác xây dựng chuỗi giá trị thủy sản |
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX TP. Đà Nẵng cho biết, gần đây nhiều HTX trên địa bàn đã chú trọng hơn đến việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tiên tiến.
Các HTX cần được hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường |
Tại HTX Nấm An Hải Đông, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, đây là HTX được thành lập từ năm 2002 và đến nay làm ăn khá hiệu quả. Những năm gần đây, bên cạnh việc tập trung ưu tiên sản xuất thành công các dòng sản phẩm nấm, HTX đã nỗ lực trong việc khẳng định, phát triển thương hiệu của mình trên thị trường.
Theo đó, HTX đã đẩy mạnh việc cung ứng ra thị trường các sản phẩm nấm phổ biến và các sản phẩm nấm cao cấp, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bà Vũ Thị Mùi, Chủ tịch HĐQT HTX Nấm An Hải Đông cho biết, để cạnh tranh được trên thị trường, HTX phải liên tục tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nấm, sản xuất; chăm sóc và nuôi trồng bảo đảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Qua đó, từng bước giúp hội viên ổn định đời sống, vươn lên làm giàu…
Tương tự, sau 2 năm thành lập đến nay thương hiệu HTX Hải Nhi ở quận Hải Châu cũng đã được nhiều ngư dân ở TP. Đà Nẵng và miền Trung biết đến. Đây là HTX làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Không chỉ cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và thu mua hải sản cho bà con ngư dân, HTX Hải Nhi còn đẩy mạnh việc cung cấp hải sản sạch đến các chợ theo chủ trương của TP. Đà Nẵng.
Vào thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, việc tiêu thụ các sản phẩm hải sản của bà con ngư dân gặp khó khăn. HTX Hải Nhi đã tăng cường các chuyến tàu ra tận khơi xa thu mua hải sản cho ngư dân đánh bắt xa bờ.
Sau đó, vận chuyển về đất liền cung cấp hải sản sạch đến nhiều điểm bán ở các chợ, kịp thời cung cấp hải sản đảm bảo ra thị trường, góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hải sản cho bà con ngư dân trong thời điểm khó khăn. Được biết, hiện HTX Hải Nhi đang xây dựng kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm sạch nhằm thực hiện chương trình “thành phố 4 an” của Đà Nẵng.
Cùng làm “cầu nối” hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm cho hội viên với thị trường trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn có thể kể đến Liên hiệp HTX Liên Thành. Liên hiệp với sự tham gia của một số HTX trên địa bàn như: HTX Kim Thanh, HTX nấm An Hải Đông, HTX Nhơn Phước, HTX sản xuất rau an toàn Túy Loan... Việc ra đời của Liên hiệp HTX Liên Thành đã tạo nhiều thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch của các đơn vị thành viên.
Theo đó, liên hiệp đã xây dựng cửa hàng thực phẩm an toàn tại 79 Lý Thái Tổ, quận Thanh Khê. Từ đây, tập trung các sản phẩm nông sản an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rồi cung ứng đến tận tay người tiêu dùng. Ngoài ra, còn có thể kể đến những nỗ lực hỗ trợ hội viên đưa sản phẩm rau an toàn của HTX sản xuất rau La Hường, trên địa bàn Cẩm Lệ, HTX sản xuất rau an toàn Túy Loan ở Hòa Vang...
“Cầu nối” cũng cần được hỗ trợ
Tính đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 119 HTX, với tổng vốn điều lệ của các HTX đăng ký 113,93 tỷ đồng, thu hút 26.489 thành viên tham gia HTX, giải quyết việc làm cho hơn 31.500 lao động... Có thể nói, những năm gần đây hoạt động của các HTX đã có nhiều khởi sắc, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khó khăn trên thị trường như hiện nay. Nhiều HTX đã và đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất của các thành viên, không chỉ giúp hội viên trong các khâu kỹ thuật sản xuất mà còn chú trọng đầu ra trên thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Vân cho biết thêm, trong định hướng phát triển các HTX thương mại - dịch vụ trên địa bàn, sẽ chú trọng phát triển tại khu vực nông thôn, miền núi; Tạo điều kiện cho các HTX phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm tại các khu dân cư, khu du lịch.
Đồng thời, phát triển mô hình HTX quản lý, kinh doanh chợ trên cơ sở xã hội hóa các chợ do quận, huyện, xã, phường quản lý. Tổ chức hiệu quả các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX thương mại với các DN để khai thác nguồn hàng; giữa HTX thương mại với các HTX nông nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của thành viên, đồng thời cung ứng hàng hóa với giá cả phù hợp ra thị trường...
Tuy nhiên, trên thực tế để các HTX hoàn thành tốt vai trò “cầu nối” giữa hội viên với thị trường, vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Đầu tiên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước tiềm lực của nhiều HTX trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn yếu, thiếu kinh nghiệm trong việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hồng Vân, vấn đề liên kết để tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX và giữa HTX với các DN còn yếu... Trong các HTX, trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa cao, hạn chế trong việc đưa ra chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo cơ chế mới và tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.
Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có những hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách cho các HTX trong việc ký kết, thu mua sản phẩm cho hội viên. Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, DN về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX.