Vực dậy nuôi trồng thủy sản
Ảnh minh họa |
Cuối tháng 8 vừa qua, các cơ quan chức năng đã cho công bố nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt dọc miền biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, liên quan sự cố ô nhiễm do Tập đoàn Formosa gây ra hồi tháng 4/2016.
Theo đó, chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại khu vực được quan trắc ở 4 tỉnh trên đến nay đã nằm trong giới hạn quy định, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy hải sản và bảo tồn thủy sinh.
Với những tín hiệu đáng mừng đó, nhiều câu hỏi lập tức được đặt ra: nguồn thủy sản ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung từng bị ô nhiễm có thể sử dụng được chưa? Việc nuôi trồng thủy sản của người dân cần triển khai như thế nào?...
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 7268/BNN-TCTS hướng dẫn chi tiết cho ngư dân 4 tỉnh cách nuôi thủy sản tại vùng biển này.
Cụ thể, với nuôi lồng, đăng, quầng và bãi triều thì chủ các cơ sở nuôi cần chủ động kiểm tra các thông số môi trường cơ bản trước khi thả nuôi; thực hiện vệ sinh lồng/bè, bãi triều…; sử dụng giống có kích cỡ lớn, được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng khi thả nuôi, nên thả nuôi mật độ thưa.
Đồng thời, khuyến cáo hạn chế sử dụng thức ăn tươi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nên thay bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao, kết hợp bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Trong khi đó, với nuôi trong ao, đầm… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nước biển trước khi đưa vào ao nuôi phải xử lý trong ao chứa/lắng và thực hiện quy trình xử lý nước như: nước biển được lấy vào ao chứa, xử lý bằng Chlorin A nồng độ 20ppm, sục khí hoặc quạt nước ít nhất 24 giờ kể từ khi xử lý Chlorin A để diệt khuẩn, xử lý nước bằng EDTA với liều lượng từ 1-2ppm để loại bỏ kim loại nặng… Khuyến khích áp dụng hình thức ương giống trong giai hoặc ao nhỏ (khoảng 20-45 ngày) trước chuyển ra ao nuôi thương phẩm…
Đồng thời, các hộ nuôi trồng tăng cường vệ sinh/siphon đáy ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học có khả năng cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi; thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi, có biện pháp xử lý kịp thời khi môi trường biến động nhằm đảm bảo sự sinh trưởng cho thủy sản nuôi…
Riêng đối với nguồn thủy sản, Bộ Y tế cho biết cần tiếp tục lấy mẫu giám sát, xét nghiệm hàng ngày tất cả các loại cá tại các cảng cá ở 4 tỉnh miền Trung trong những ngày tới để có thêm những đánh giá nhằm khẳng định chính xác mức độ an toàn của thủy hải sản đối với sức khỏe con người.