Xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ: Am hiểu thị trường mới thành công
Ảnh minh họa |
Theo nhận định chung của các DN, đây là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, nhưng nếu chinh phục được, tiềm năng và lợi ích thu về cho các DN dệt may trong nước là rất đáng kể.
Đại diện Tổng CTCP May Việt Tiến (Việt Tiến) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hiện nay của tổng công ty đạt trên 620 triệu USD. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26%, tiếp đến là Nhật Bản 23%, EU 21%. Sở dĩ đạt được con số này vì trong những năm qua, Việt Tiến luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị, dây chuyền máy móc hiện đại, áp dụng thành công phương pháp sản xuất theo công nghệ Lean, đưa năng suất lao động ngày càng tăng, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều thị trường, trong đó có những thị trường khó tính, yêu cầu, đòi hỏi cao.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 10 năm qua hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đã tăng nhanh chóng, nếu như năm 2005 đạt 2,6 tỷ USD, thì đến năm 2015 tăng gấp 4,6 lần và đạt gần 12 tỷ USD. Lượng hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào thực thi.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Vitas cho biết, mặc dù việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo ra lợi thế vô cùng thuận lợi cho hàng hóa dệt may của Việt Nam xuất khẩu đi các nước trong khối TPP, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, nhưng cùng với đó sẽ là việc gia tăng hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là điều kiện bắt buộc khi các DN muốn tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này.
Cũng bàn về điều này, phó tổng giám đốc một DN có kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD, tại TP. HCM, cũng thừa nhận hệ thống tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của Hoa Kỳ rất khắt khe và phức tạp, đặc biệt là với sản phẩm phục vụ cho đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em.
Có thể kể ra hàng loạt các yêu cầu áp dụng đối với hàng may mặc như Đạo luật An toàn sản phẩm tiêu dùng, Đạo luật Vải dễ cháy, tiêu chuẩn cho dây rút trên áo khoác trẻ em (ASTM F1816)… Trong đó, có những quy định chi tiết rất cụ thể như không được dùng dây rút ở vùng nón và cổ áo khoác trẻ em kích cỡ 2 - 12 tuổi, dây rút ở hông trên áo khoác không dài quá 75 mm ngoài ống rút…
Theo bà Arlene Flecha, Giám đốc Quản lý Chương trình CPSC (Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ) tại Đông Nam Á, đối với hàng dệt may xuất sang Hoa Kỳ, các DN cần chú ý, một số tiểu bang có các luật và quy định nghiêm ngặt hơn các yêu cầu của liên bang.
Chẳng hạn như quy định đối với sản phẩm, dán nhãn, đóng gói và hạn chế đối với hóa chất... Nên có thể có những rắc rối trong việc nhập cảng, hay việc liên bang đồng ý chấp thuận mà khi DN Việt đưa hàng vào sâu các tiểu bang lại không được. Vì vậy, nhà sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của các nước muốn thâm nhập vào thị trường phải tuân thủ các quy định bắt buộc của CPSC, cũng như các tiêu chuẩn của khu vực tư nhân đề ra.
Thực tế, đây cũng chính là bài học cho không ít DN xuất khẩu của Việt Nam khi chưa tìm hiểu thông tin kỹ càng đã vội đưa hàng sang, dẫn đến bị trả hàng về với thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng, và DN chính là người phải gánh chịu.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, sau khi TPP đi vào thực tế sẽ có tác động lớn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhiều khả năng đạt kim ngạch 51,4 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng các sản phẩm dệt may có thể đạt 15,2 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên con số 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, để được như vậy, trước tiên các DN xuất khẩu dệt may cần chú trọng nâng cao hơn nữa năng lực bản thân, cũng như nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật, quy định và đặc tính riêng của thị trường Hoa Kỳ bằng nhiều nguồn và kênh thông tin, bởi đây cũng chính là một trong những yếu tố tiên quyết: "có am hiểu thị trường mới gặt hái được thành công".