Xuất khẩu nông sản sau các FTA: Hiểu rõ để tránh chủ quan
Bà Đặng Thị Dịu - Giám đốc Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú Hải, Quảng Ninh cho biết, các DN ở Móng Cái hiện có khoảng 100 ha nuôi tôm. Tuy nhiên đây là sản phẩm giá cả luôn thay đổi, khiến DN và hộ nuôi tôm rất bấp bênh. Điển hình những tháng năm 2019, giá tôm giảm khoảng 1/3 so với mức hàng năm. Trước những thông tin về hội nhập hiện nay, như nhiều DN xuất khẩu nông sản bà Dịu băn khoăn, khi tham gia CPTPP, rồi tới đây là EVFTA áp lực cạnh tranh lớn với các nước có thế mạnh về khoa học, công nghệ, tài nguyên, cơ quan chức năng có thể giúp được gì cho xuất khẩu tôm ra nước ngoài.
Đứng từ góc độ DN nước ngoài đã có nhiều năm đầu tư và tìm kiếm đối tác tại Việt Nam, ông Hong Sun - Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá Việt Nam có ngành nông, lâm, thủy sản phát triển rất mạnh, nhưng việc tìm đối tác phù hợp ở đây là vô cùng khó khăn, thường phải mất từ 5-6 năm. Bởi dù có lợi thế về rất nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản nhưng DN trong nước lại không thể đáp ứng được nhu cầu do chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Ví dụ quả chuối có dán tem, dù ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu. Ông bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quản được lâu hơn.
Trước kỳ vọng gia tăng xuất khẩu nông sản nhờ FTA, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cần hiểu đúng về tác động của FTA để tránh lạc quan thái quá. Ngay như CPTPP, trong 10 đối tác của FTA này, Việt Nam đã có 7 hiệp định song phương, mở cửa thị trường tăng lên nhờ CPTPP gần như bằng 0, vì vậy sẽ không có việc tăng trưởng xuất khẩu nông sản đột biến.
Trước hết do các thị trường này đều ở xa, gu tiêu dùng rất khác với người Việt Nam. Ngoài ra, nông sản Việt Nam nếu được sản xuất đúng quy chuẩn quốc tế thì giá thành chắc chắn không rẻ, từ đó khả năng cạnh tranh cũng hạn chế hơn. Theo ông Khánh, thương mại nông sản trong nước rất khác với quốc tế. Chúng ta đang đánh giá hàng nông sản bằng cảm quan và chưa quan tâm đâu là nơi sản xuất ra sản phẩm. Vì vậy rất nhiều người nông dân nghĩ rằng sản phẩm bán được ở trong nước thì sẽ bán được ở quốc tế. “Thế giới họ muốn biết quy trình sản xuất cụ thể như thế nào; ban hành các quy định bảo hành sản phẩm ra sao”, ông Khánh giải thích.
Trong khi đó, một thị trường sát sườn Việt Nam lại chưa được khai thác triệt để là Trung Quốc. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn chứng, chúng ta nghĩ rằng Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách, song thực chất chính sách của họ vẫn giữ nguyên, thậm chí DN vẫn bán được các sản phẩm không có trong quy định như sắn, na, bơ… bằng nhiều hình thức và phương cách như trao đổi giữa các cư dân. Vì vậy, lời khuyên với một số ngành hàng là cần khai thác tốt các thị trường tiềm năng ở ngay cạnh Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nhấn mạnh, khi nào chúng ta có cái nhìn tổng thể về thị trường, khi đó bài toán cơ hội trong hội nhập của nông sản sẽ có lời giải đầy đủ. Vì vậy, có 2 câu hỏi cần được giải đáp. Thứ nhất, thị trường nào trong các FTA của Việt Nam có quan hệ thương mại với nhau, có mối quan hệ với Việt Nam? Thứ hai, trong các khối thị trường lớn của các FTA, Việt Nam đang chơi như thế nào?
Với góc nhìn đó, theo ông Thành nông sản Việt sẽ đón nhận cả cơ hội và thách thức trong hội nhập. Với CPTPP, EVFTA, khó nhất của nông sản Việt là chi phí tuân thủ rất cao, liên quan đến xuất xứ, nội địa hóa, các loại tiêu chuẩn… Ngoài ra, chi phí tuân thủ liên quan đến các khâu mang tính chất quyết định như chi phí pháp lý. “Hầu như không một DN nào của Việt Nam “chơi” được về pháp lý, các hiệp hội lại chưa có năng lực hỗ trợ pháp lý cho các DN”, ông Thành lưu ý. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ mang tính chất quyết định khác là marketing, bao gồm 3 vấn đề là giá trị sản phẩm, tiêu chuẩn và xuất xứ.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa ủng hộ việc phát triển nông nghiệp, và theo ông nông nghiệp cùng với du lịch mới là mũi nhọn của nền kinh tế. Song ông cũng lo ngại, tại thị trường CPTPP nói riêng và thị trường quốc tế nói chung, Việt Nam với xuất phát điểm là nước nông nghiệp gần như luôn theo sau trong mọi lĩnh vực công nghiệp hóa, số hóa, trí tuệ nhân tạo…
Vì vậy Chính phủ cần tập trung giải pháp trong việc phát triển ngành nông nghiệp, tận dụng lợi thế từ CPTPP. Đó là ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản...; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp, tăng cường trao đổi, liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỷ luật, giám sát sản xuất đồng bộ, đúng quy trình, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng Việt Nam.