Yên tâm với lạm phát
Y tế, giáo dục đẩy CPI tháng 8/2019 tiếp tục tăng | |
Kinh tế Việt Nam một năm giữa thương chiến: Động lực tăng trưởng đang thay đổi |
Ảnh minh họa |
Trong khi với cách tính theo lạm phát bình quân cũng vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, cũng thấp hơn so với mức tăng 2,61% của bình quân 7 tháng đầu năm. Đặc biệt mức tăng 2,57% này là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (8 tháng năm 2017 tăng 3,84%; năm 2018 tăng 3,52%).
Trong tháng có tới 8/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá, trong đó có khá nhiều nhóm hàng có mức tăng khá cao như thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 2,81% do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 37/2018/TT-BYT; nhóm giáo dục cũng tăng 0,57% do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020.
Tuy nhiên CPI tháng 8 chỉ tăng ở mức thấp như vậy một phần cũng nhờ trong tháng cũng có 3 nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá, gồm giao thông giảm 0,46%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Bên cạnh đó, việc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - chỉ tăng 0,24%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,87% của nhóm hàng này cách đây 1 năm cũng góp phần khiến CPI tháng 8 năm nay tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (0,28% so với 0,45%), qua đó kéo lạm phát bình quân tiếp tục giảm tốc.
Thế nhưng điểm nhấn nổi bật nhất trong bức tranh lạm phát những tháng đầu năm 2019, theo Tổng cục Thống kê, đó chính là việc “kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ”. Nhờ đó, lạm phát cơ bản tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Dự báo về diễn biến lạm phát những tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng ẩn số lớn nhất vẫn là giá xăng dầu thế giới. Một rủi ro nữa đối với lạm phát trong nước những tháng cuối năm là giá thịt lợn do dịch bệnh có thể khiến nguồn cung khan hiếm.
Điều tích cực là giá cả các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới không có nhiều áp lực tăng do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Đơn cử như giá dầu thô thế giới đang có xu hướng giảm khá mạnh, hiện đã giảm 20% so với mức đỉnh cao nhất của năm 2019 thiết lập hồi tháng 4 và được dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ giảm giá cũng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc. Dó cũng là nhân tố giúp kiểm soát lạm phát.
Vì lẽ đó nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi. Thậm chí nhiều dự báo gần đây của các tổ chức trong và ngoài nước còn cho thấy lạm phát cả năm chỉ vào khoảng 3,5% - 3,7%. Chẳng hạn tại báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới dự báo CPI bình quân năm chỉ ở mức 3,7% trong năm 2019 và tăng lên 3,8% vào năm 2020 và 2021. ADB cũng dự báo lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 3,5% trong năm 2019 và 3,8% trong năm 2020. Lạc quan hơn cả, trong báo cáo mới đây, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam chỉ là 2,7% trong cả 2019.
Tuy nhiên, không thể chủ quan khi mà kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, đặc biệt là sức nóng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bên cạnh đó, việc nhiều NHTW lớn trên thế giới như Fed, ECB... đã chuyển hướng chính sách sang nới lỏng có thể đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng. Chưa hết, việc đồng USD đang có xu hướng mạnh lên cũng tạo nhiều áp lực đến tỷ giá và lạm phát tại nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Cũng chính bởi vậy nên tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả trong và ngoài nước để có biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng dầu. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Theo dõi sát, đánh giá, dự báo tình hình và phản ứng nhanh nhạy với các biến động về chính sách quốc tế, diễn biến thị trường tài chính trong và ngoài nước…