10 năm một chặng đường - VAMC khẳng định vai trò công cụ đắc lực xử lý nợ xấu
VAMC góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Đồng hành cùng hành trình phát triển của VAMC Vai trò quan trọng của VAMC trong sự phát triển vững chắc của các TCTD |
Công cụ đặc biệt góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC - người gắn bó với VAMC từ những ngày đầu thành lập không khỏi bồi hồi nhớ lại, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái giai đoạn 2008 - 2012, cùng với những yếu kém nội tại tích tụ qua nhiều năm, tăng trưởng kinh tế suy giảm, kinh tế vĩ mô xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn, tỷ lệ lạm phát cao. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến không trả được nợ vay ngân hàng đúng hạn. Mặc dù các TCTD đã nỗ lực xử lý nợ xấu, song nợ xấu vẫn tăng lên nhanh chóng trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, đe doạ đến an toàn hệ thống.
Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Yêu cầu đặt ra là phải có một công cụ đặc biệt để xử lý nhanh, dứt điểm, đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế. Trước bối cảnh này, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thấy rằng cần phải có một công cụ đặc biệt hữu hiệu để xử lý nợ nhanh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp. Ngày 27/6/2013, VAMC chính thức được thành lập theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của NHNN Việt Nam, ngay sau khi Chính phủ có Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/05/2013, phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tặng hoa cho các đồng chí nguyên là Lãnh đạo của VAMC |
Sau 10 năm đi vào hoạt động được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của NHNN, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng nói chung và VAMC nói riêng liên quan đến xử lý nợ xấu về cơ bản đã dần được tháo gỡ. Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh và có hiệu quả quá trình cơ cấu lại các TCTD, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (sau đây gọi là Nghị quyết 42). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của NHNN, phối hợp chặt chẽ của các TCTD, sự hỗ trợ tích cực kịp thời của các Bộ, ngành, chung sức đồng lòng của Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nhân viên, VAMC đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò chủ lực, là công cụ của NHNN góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống Ngân hàng.
Một trong những kết quả nổi bật của VAMC đã góp phần quan trọng trong việc đưa nợ xấu toàn ngành về mức dưới 3% và thực hiện tốt vai trò trong hoạt động tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, VAMC đã mua nợ gần 28.000 khoản nợ với tổng dư nợ gốc nội bảng hơn 412.000 tỷ đồng, xử lý được 79% tổng số dư nợ gốc đã mua bằng TPĐB; đã góp phần quan trọng trong việc đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về dưới 3% theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Hoạt động mua bán nợ theo GTTT được triển khai từ năm 2017 và ngày càng được đẩy mạnh qua các năm. Kết quả đến 31/5/2023 VAMC mua nợ theo GTTT 400 khoản nợ với giá mua là 12.934 tỷ đồng, đã góp phần tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường đồng thời khẳng định được vai trò của VAMC là công cụ đặc biệt trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm và đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Nhờ hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu cơ bản đã được hoàn thiện, cùng với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết số 42; Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nên hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC đã có những chuyển biến tích cực: Hoạt động mua nợ theo GTTT tại VAMC đã được tăng cường, đẩy mạnh. Công tác thu hồi, xử lý nợ của VAMC cũng đạt kết quả tích cực, số tiền thu hồi từ sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực gần bằng 2/3 tổng số thu hồi, xử lý nợ của VAMC từ khi thành lập đến nay.
Cơ chế xử lý nợ xấu qua VAMC giúp đẩy mạnh kết nối, thiết lập mối quan hệ với với các đối tác, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới để áp dụng hiệu quả, phù hợp với hoạt động tại Việt Nam. Tập trung thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, VAMC đã ký các thỏa thuận hợp tác toàn diện về xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2022 với các TCTD gồm: BIDV, Sacombank, Agribank và Vietinbank và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tiếp nối thành công đạt được từ các thoả thuận hợp tác, thời gian vừa qua, VAMC tiếp tục triển khai ký Thoả thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2025 với BIDV, NamABank, SAIGONBANK, PVCombank và Agribank.
Bên cạnh đó, VAMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài để tăng cường giao lưu và học hỏi kinh nghiệm như: Ký kết thỏa thuận hợp tác với SAM, KAMCO; trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội xử lý nợ công IPAF và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA); tham gia các cuộc hội thảo quốc tế; phối hợp thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA, World Bank; hợp tác trao đổi kinh nghiệm với Ngân hàng TW CHDCND Lào, Ngân hàng Trung ương Bangladesh; thiết lập quan hệ với nhà đầu tư quốc tế như: tập đoàn tài chính NorthStar, Canada; Route One; IGPI, Raysum, Ngân hàng Kasikornbank, Rainbow Capital,...
Củng cố nguồn lực tạo bước tiến quan trọng trong mua, bán nợ theo GTTT
Các nguồn lực của VAMC đã được Chính phủ, NHNN quan tâm hỗ trợ và không ngừng được củng cố vững chắc, vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng được cấp khi mới thành lập đến nay đã tăng lên 5.000 tỷ đồng. Năng lực hoạt động của VAMC ngày càng được nâng cao, bộ máy tổ chức của VAMC dần được kiện toàn và hoàn thiện phù hợp theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới năm 2022 tại Quyết định số 28/QĐ-NHNN.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án, VAMC đã xây dựng Kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm của VAMC giai đoạn 2019 – 2023, Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các kế hoạch, chiến lược này sau khi NHNN phê duyệt là nền tảng định hướng hoạt động của VAMC trong giai đoạn hiện nay và được VAMC tích cực triển khai đồng bộ, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Bước tiến quan trọng trong hoạt động của VAMC chính là cơ quan này đã và đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu mua theo GTTT thông qua thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC và Câu lạc bộ AMC. Bước đầu hoạt động của Sàn Giao dịch đã có những chuyển biến tích cực và góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng, tạo lập và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam.
Từ năm 2017 đến nay, hoạt động mua bán nợ theo GTTT được triển khai tích cực có hiệu quả, mua nợ hơn 12.000 tỷ đồng theo giá thị trường và xử lý được hơn 75% nợ đã mua, bước đầu đã hình thành các chủ thể tham gia vào thị trường, tạo tiền đề để phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp. Hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC đã góp phần minh bạch hóa thông tin nợ xấu, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, kết nối Nhà đầu tư, TCTD và VAMC trong hoạt động mua bán nợ, thu hút nhiều sự quan tâm và tham gia. Đến 31/5/2023 đã có 189 khách hàng đăng ký thành viên Sàn giao dịch; triển khai thành công một số dịch vụ môi giới, tư vấn.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo |
Tiếp tục giữ vững vị thế, vai trò là trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu
Nhìn lại chặng đường 10 năm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá, trải qua nhiều thăng trầm của nền kinh tế, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt giai đoạn 2020-2022 dịch bệnh Covid-19 lan rộng đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội nước ta. Song, với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và NHNN Việt Nam, sự chỉ đạo thống nhất và quyết liệt của Ban Lãnh đạo VAMC, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của người lao động, VAMC đã thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được những kết quả khả quan, tương đối toàn diện trên các mặt công tác.
Nhất trí với Báo cáo kết quả hoạt động 10 năm của VAMC và phương hướng, mục tiêu hoạt động giai đoạn 2023-2025, hướng tới 2030, hững kiến nghị, đề xuất của VAMC, Phó Thống đốc cho biết, NHNN Việt Nam sẽ giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, trình xem xét, phê duyệt. Qua chỉ đạo và theo dõi, trong 10 năm qua, VAMC đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống TCTD, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống về mức an toàn (dưới 3%); hình thành và góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam; đồng thời bảo toàn vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. "Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà VAMC đã đạt được và những đóng góp tích cực của VAMC đối với sự phát triển chung của ngành Ngân hàng cũng như của đất nước trong một thập kỷ vừa qua", Phó Thống đốc ghi nhận.
Giai đoạn tới, dự báo nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành Ngân hàng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn do chịu tác động từ tình hình bất ổn của thế giới. Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò của VAMC là công cụ của Chính phủ và NHNN trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời xây dựng VAMC trở thành trung tâm của thị trường mua bán nợ Việt Nam, Phó Thống đốc đề nghị VAMC cần nỗ lực tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán, xử lý nợ xấu; đồng thời tiếp tục hoàn thiện quy chế nội bộ của VAMC phù hợp với các quy định mới của pháp luật để triển khai nhanh và có hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán và xử lý nợ: Đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo GTTT, tăng cường phối hợp với TCTD trong việc xử lý nợ xấu đã mua bằng TPĐB.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện mục tiêu tạo lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung mà trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC và tích cực duy trì hoạt động Câu lạc bộ Xử lý nợ.
Thứ tư, tích cực thực hiện các giải pháp nêu tại Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được NHNNVN phê duyệt. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ mới như tái cấu trúc, mua bán sát nhập các doanh nghiệp, bảo lãnh... nhằm duy trì, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời mở rộng hoạt động theo nguyên tắc thị trường đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa tăng tính bền vững trong hoạt động của VAMC.
Thứ năm, tăng cường năng lực tài chính cho VAMC để đạt mức 10.000 tỷ đồng Vốn điều lệ theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nhằm nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động để phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ, đồng thời tập trung sắp xếp cán bộ, người lao động theo hướng tăng cường cho hoạt động xử lý nợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ bảy, nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho VAMC, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các sai sót, vi phạm nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động VAMC.
Công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế của đất nước ta đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành Ngân hàng, trong đó có VAMC. Phó Thống đốc tin tưởng trong giai đoạn tiếp theo, VAMC sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu và truyền thống tốt đẹp đã đạt được trong 10 năm qua, cùng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện tốt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025…, tiếp tục giữ vững vị thế, vai trò là trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các TCTD, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam và đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng.