2020: Thương mại có thể còn bất định hơn những gì đã thấy
Thương mại Mỹ - Trung: Đạt thỏa thuận giai đoạn một, thâm hụt lớn của Mỹ sẽ vẫn còn ở lại | |
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp tục | |
Các công ty Mỹ tầm trung đang rời khỏi Trung Quốc |
Áp lực tiếp tục tăng lên
Bất chấp những tín hiệu tích cực được tạo ra từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, năm 2020 thậm chí sẽ còn có nhiều sự kiện thương mại sôi động hơn so với những gì thế giới đã trải qua. Nếu lịch sử gần đây dạy cho chúng ta điều gì, thì đó là việc có được một thỏa thuận được ký kết và sau đó đến tuân thủ thường khó khăn hơn so với khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sắp được ký kết nhưng bất định với thương mại toàn cầu còn rất lớn |
Thực tế không lâu sau khi thông báo đạt được thỏa thuận được đưa ra, các vết nứt đã xuất hiện. Trong số các vấn đề lớn, đáng chú ý là việc Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có những cách hiểu khác nhau về việc thuế quan còn lại của Hoa Kỳ sẽ được xóa bỏ nhanh chóng như thế nào sau khi thỏa thuận này được thực thi, và qua đó tạo dư địa cho nguy cơ “hiểu lầm”. Do đó sẽ là khôn ngoan để tiết chế sự lạc quan.
Trong khi phía Mỹ đã hé lộ một số nội dung của thỏa thuận, như phía Trung Quốc cam kết tăng mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới, trong đó gồm 32 tỷ USD hàng hóa nông sản. Đổi lại, Mỹ đồng ý hoãn vòng áp thuế 15% với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà đáng lẽ sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 vừa qua, đồng thời cũng chấp thuận giảm mức thuế 15% đối với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (áp thuế từ đầu tháng 9) về mức 7,5%. Các quan chức Mỹ tiết lộ thỏa thuận còn bao gồm các cam kết của Trung Quốc về các vấn đề bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tài chính, tỷ giá…
Tuy nhiên, phía Trung Quốc không xác nhận về các con số cụ thể, ví dụ chỉ khẳng định sẽ tăng mua nông sản Mỹ đáng kể nhưng còn phụ thuộc vào các điều kiện thị trường thực tế. Vấn đề nhức nhối nhất đối với chính quyền của Tổng thống Trump là sẽ “xử lý” thế nào nếu Trung Quốc “gian lận” trong thực thi thỏa thuận hoặc không đáp ứng các cam kết đưa ra. Mặc khác, với niềm tin và việc ông Trump luôn cho rằng, các tổng thống Mỹ trước đây đã không theo dõi và trừng phạt gian lận của Trung Quốc, chính quyền của ông sẽ chịu áp lực lớn là phải thực hiện thành công chính sách buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của mình.
Cách suy luận thông thường cho rằng, ông Trump sẽ muốn tránh đối đầu với các vấn đề hóc búa trong năm bầu cử để thể hiện ông đã đạt được một thỏa thuận thành công. Nhưng logic cuộc chơi lại cho thấy một hướng khác. Tổng thống Trump cần phải thể hiện sẽ làm tất cả những gì cần thiết để thỏa thuận được thực thi nghiêm túc. Bởi nếu những lời nói và cam kết được đưa ra trong gần suốt nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Trump được coi là mạnh mẽ và quyết liệt thì việc “nói không đi đôi với làm” sẽ làm cho hình ảnh của ông trở thành người yếu đuối trong chiến dịch tranh cử sắp tới.
Thỏa thuận và tuân thủ có song hành?
Đối với Trung Quốc, các vấn đề vừa đa dạng vừa trực tiếp hơn. Trong đó, vấn đề lớn nhất là với các mức thuế còn lại không nằm trong thỏa thuận giai đoạn 1. Hoa Kỳ chỉ đồng ý hạ thuế quan từ 15% xuống 7,5% đối với đợt tăng thuế nhỏ nhất hàng hóa Trung Quốc như đã kể trên. Tức là mức thuế quan 25% vẫn được áp dụng trên 240 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh đang nhất định yêu cầu phải cắt giảm nhanh chóng để đổi lấy việc đạt được thỏa thuận này.
Washington tỏ ra cảnh giác và thích một cách tiếp cận tùy biến phụ thuộc vào các cam kết được đáp ứng như thế nào. Đây sẽ là một vấn đề nóng bỏng ở Bắc Kinh và có lẽ là vấn đề có khả năng làm thất bại thỏa thuận hiện tại cũng như sẽ dập tắt hy vọng cho thỏa thuận giai đoạn 2 nếu Trung Quốc cảm thấy thuế quan không được giảm xuống đủ nhanh. Thông thường, mỗi bên sẽ đồng ý giảm theo lịch trình dựa trên hiệu suất của cam kết trên thực tế hoặc theo thời gian. Nhưng việc thiếu đi một lịch trình như vậy cho thấy chiều sâu của sự mất lòng tin ở mỗi bên.
Bất kỳ một thương lượng nào về thỏa thuận giai đoạn hai cũng cần phải giải quyết được vô số vấn đề liên quan đến lợi ích của Bắc Kinh. Việc Washington sử dụng các mối quan ngại về an ninh quốc gia để “hạ bệ” Huawei trên khắp châu Âu và các đối tác của Five Eyes (gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) đã đặt Bắc Kinh vào thế phải phòng thủ để tránh bị chặn khỏi các thị trường lớn này. Trung Quốc cũng muốn tránh những xích mích hơn nữa đối với vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương hay trong thương mại với Iran và Bắc Triều Tiên.
Mặc dù đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Mỹ không đặt ra kế hoạch hàng tháng cho các thay đổi mô hình thương mại nhưng giới phân tích cho rằng, có ba thời điểm rất quan trọng phải theo dõi trong năm 2020. Đầu tiên là vào đầu quý II/2020, Mỹ cần định hình rõ được việc Trung Quốc sẽ tuân thủ tốt các cam kết như thế nào. Tiếp đó vào mùa hè và đầu mùa thu, Mỹ cần thấy và đánh giá rõ việc tuân thủ đó. Trong trường hợp nếu Trung Quốc không đạt được tiến bộ tốt, Tổng thống Trump sẽ phải đi đến quyết định giữa việc đẩy leo thang tranh chấp, hoặc chấp nhận không thách thức Bắc Kinh nữa trong bối cảnh chiến dịch bầu cử lúc này đang ở nửa chặng đường. Tuy nhiên, ông Trump sẽ không thể bước vào tháng 11/2020 mà bỏ qua những kỳ vọng lớn chưa được đáp ứng của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Cuối cùng, thời điểm cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 sẽ thiết lập cho các tính toán chính sách của Trung Quốc với Mỹ trong năm 2021. Một chiến thắng cho nhân vật nào đó có quan điểm ôn hòa với Trung Quốc sẽ thúc đẩy Bắc Kinh trong các thỏa thuận thương mại tiếp theo. Nhưng nếu người chiến thắng vẫn là ông Trump thì có nghĩa Trung Quốc sẽ đối mặt với bốn năm khó khăn hơn trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Câu hỏi đặt ra lúc này là chính quyền của Tổng thống Trump sẽ đi tới đâu trong giám sát và thực thi một thỏa thuận, cũng như sẽ có những “biến cố” nào sẽ xuất hiện trong năm bầu cử tới. Như ông Lighthizer đã nói, chìa khóa cho mọi thứ là liệu Trung Quốc có muốn tuân thủ hay không. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với sự cởi mở và cải cách như thế nào vì thế sẽ là câu chuyện thương mại trong năm 2020.