Các công ty Mỹ tầm trung đang rời khỏi Trung Quốc
Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế lên hàng Trung Quốc? | |
Thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 có thể không được ký trong năm nay | |
Nguy cơ mới gia tăng xung đột Mỹ-Trung về công nghệ |
Chuyển dịch để bù đắp doanh thu
Trong khi nhiều Blue-chip (DN lớn) của Mỹ như Caterpillar, Deere, Hasbro (nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới) hay Roomba iRobot… đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhiều DN lớn đang tính đến bài toán dịch chuyển chuỗi sản xuất thì nhiều công ty quy mô trung bình của Mỹ cũng nhận ra rằng họ cần đa dạng hóa khỏi Trung Quốc và đã bắt đầu hành động. Đây là những thông tin từ một cuộc khảo sát của Ngân hàng Umpqua có trụ sở tại Portland, bang Oregon (Mỹ), công bố hôm thứ Tư.
Thuế quan cao hơn và kéo dài khiến nhiều DN tầm trung của Mỹ muốn chuyển dịch khỏi Trung Quốc |
Umpqua đã khảo sát 550 Giám đốc điều hành tại các công ty Mỹ có doanh thu hàng năm từ 10 triệu đến 500 triệu USD vào tháng 10 vừa qua. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 72% người được hỏi phản ánh về mức độ “không chắc chắn” về hoạt động kinh doanh tương lai do căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Điều này dẫn tới việc có tới hơn một nửa cho biết họ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình - cả trong nước và các thị trường quốc tế khác; đồng thời gần 20% số người được hỏi cho biết đang tìm kiếm các khách hàng mới ở các thị trường khác, chủ yếu ở châu Âu, các khu vực khác ở châu Á, châu Mỹ Latin và Hoa Kỳ.
Dale Darling, nhà sáng lập và Chủ tịch của Summit Premium Tree Nuts - một khách hàng vay của Umpqua - nói với CNN Business rằng, cho đến vài năm trước Trung Quốc vẫn luôn là thị trường lớn nhất của công ty này. Nhưng thuế quan đã làm thay đổi cục diện đó. Ông Darling cho biết, thuế của Trung Quốc đối với hạt hạnh nhân và các loại hạt khác được nhập khẩu từ Hoa Kỳ đã tăng từ 15% - 50%. Vì vậy, Summit Premium Tree Nuts đã phải nhanh chóng điều chỉnh thị trường, tìm kiếm khách hàng mới và điều này đã giúp bù đắp doanh số bị mất đi ở thị trường Trung Quốc, thông qua tăng thêm lượng bán hạt hạnh nhân, óc chó, hồ đào và hạt phỉ cho Ấn Độ, Trung Đông và Tây Ban Nha.
Các DN tầm trung có thể thích ứng nhanh hơn
Tory Nixon, Giám đốc ngân hàng Umpqua cho biết, các công ty cỡ trung như Summit Premium Tree Nuts có khả năng thích ứng nhanh hơn so với các công ty, tập đoàn lớn thuộc Fortune 500. Bởi vậy, vị này không ngạc nhiên khi thấy một số khách hàng DN tầm trung của ngân hàng đang tìm kiếm các quốc gia khác để sản xuất hàng hóa và nhắm tới các thị trường tiêu dùng mới. Tuy nhiên theo ông Tory Nixon, quyết định đa dạng hóa thị trường ngoài Trung Quốc ít liên quan đến chính trị và chiến tranh thương mại mà liên quan nhiều hơn đến sự suy giảm lợi thế khi sản xuất tại Trung Quốc. "Chi phí lao động đã tăng lên ở Trung Quốc trong nhiều năm qua và cũng đã có một số vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng," Nixon nói.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch của Summit Premium Tree Nuts cho biết ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra, Trung Quốc thắt chặt hơn hoạt động thanh tra, ban hành thêm các quy định và kiểm tra hải quan trên diện rộng đối với nông sản từ Hoa Kỳ. "Đã có nhiều rào cản hơn từ phía Trung Quốc. Cũng mất nhiều thời gian hơn để được thanh toán. Trung Quốc đã làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn, và cuộc chiến thương mại lại càng làm tình hình khó khăn hơn”, ông Darling nói.
Đó cũng là lý do tại sao các công ty cỡ trung phải hành động nhanh. Theo Tory Nixon, các công ty cỡ trung có thể chuyển dịch nhanh hơn so với các đối thủ lớn hơn bởi vì CEO, CFO và các giám đốc điều hành cấp cao khác trong các công ty này có kiến thức chi tiết hơn về tổ chức của họ. "Có một sự nhấn mạnh hơn về hiệu quả và sự cần thiết phải đưa ra được các quyết định kinh doanh tốt. Mỗi đồng bỏ ra đều quan trọng. Nó ít mang tính chính trị và nghiêng nhiều hơn về thương mại", ông Nixon nói.
Một điều khá thú vị và đáng ngạc nhiên từ kết quả cuộc khảo sát vừa qua là nhiều công ty cỡ trung cho biết, họ nhìn nhận thị trường châu Âu là một khách hàng lớn hơn để giúp bù đắp doanh số bị mất từ Trung Quốc. Ông Nixon suy đoán rằng, lý do là vì nhiều công ty Mỹ vẫn xem châu Âu là một khu vực tương đối ổn định và gần gũi châu Á. Điều đó có thể bù đắp cho những lo ngại về Brexit hay sự tăng trưởng đang chậm chạp ở Đức.