25 năm đồng hành cùng sự phát triển của thành phố Đà Nẵng
Chú trọng xây dựng, hình thành bản sắc người Đà Nẵng | |
“Thước đo” thành phố thông minh | |
Đà Nẵng lên kịch bản phục hồi tăng trưởng kinh tế |
Hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 ngày 6/11/1996 của Quốc hội, từ ngày 01/01/1997, thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Chặng đường 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chung tay góp sức xây dựng Đà Nẵng phát triển vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc và diện mạo trên hầu hết các lĩnh vực. Cùng với sự phát triển của thành phố, ngành Ngân hàng Đà Nẵng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho nền kinh tế, là bạn đồng hành của các thành phần kinh tế và người dân trên địa bàn.
Cùng sự phát triển của thành phố, ngành Ngân hàng Đà Nẵng có bước chuyển mình mạnh mẽ |
Còn nhớ lúc mới chia tách, Đà Nẵng chỉ có 4 chi nhánh ngân hàng quốc doanh và 6 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần. Đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã phát triển về số lượng và đa dạng về loại hình hoạt động và hình thức pháp lý với 61 chi nhánh TCTD và 249 PGD. Song song với việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động của các TCTD cũng phát triển tương xứng. So với năm 1997, nguồn vốn huy động của các TCTD tăng hơn 97 lần và dư nợ cho vay các thành phần kinh tế tăng hơn 85 lần. Với vai trò là các định chế tài chính trung gian, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển trong nhiều năm qua.
Bên cạnh, nhằm góp phần thực hiện thành công các chương trình kinh tế của thành phố, các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực của Chính phủ, ngành Ngân hàng Đà Nẵng đã cùng các cấp chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể… tích cực triển khai thực hiện với dư nợ đến nay hơn 72.269 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản theo Nghị định 67 là 107 tỷ đồng; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 9.940 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực xuất khẩu 3.511 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ 1.167 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 57.518 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 26 tỷ đồng.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại không ngừng hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng điện tử. Hàng loạt dịch vụ dựa trên công nghệ hiện đại như Home Banking, Mobile Banking, Internet Banking, ngân hàng 24/24h... đã và đang trở nên phổ biến hơn đối với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2021, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã lắp đặt, đưa vào sử dụng 550 máy ATM. Thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, các chi nhánh TCTD đã tích cực triển khai. So với năm trước, số lượng các đơn vị chấp nhận thanh toán, các phương thức thanh toán qua QR code, ví điện tử tăng mạnh. Thanh toán qua POS đạt 36.999 món với 139.127 triệu đồng, thanh toán QR code đạt 7.876 món với 21.022 triệu đồng, thanh toán ví điện tử đạt 99.737 món với giá trị giao dịch 27.930 triệu đồng.
Thành phố sớm hoàn thiện các quy hoạch, thúc đẩy liên kết phát triển với các địa phương lân cận, đặc biệt là phát triển du lịch trong hành lang kinh tế chung. Bên cạnh, cần tập trung cho phát triển con người; phát huy bản sắc văn hóa vốn có, phẩm chất của con người xứ Quảng; đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong xây dựng, kiến thiết đất nước. Đặc biệt cần khích lệ tinh thần này trong đội ngũ lãnh đạo và doanh nhân thành phố. Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, là thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng” |
Đồng hành cùng thành phố
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế - xã hội. Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức và cá nhân vay vốn trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, từng bước ổn định đời sống và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 12.198 tỷ đồng với 6.233 khách hàng. Tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi lũy kế 6.317 tỷ đồng, số tiền lãi được giảm 21 tỷ đồng với 871 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế 274.455 tỷ đồng, số dư nợ 22.863 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ 7.572 khách hàng. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, các ngân hàng đã thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay thể hiện sự đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khủng hoảng của đại dịch.
Không chỉ làm tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng Đà Nẵng luôn ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong công tác an sinh xã hội. Hàng năm, Ngành đã tài trợ cho các hoạt động xã hội như chương trình vì người nghèo, gia đình khó khăn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ Khuyến học, ủng hộ người dân vùng bão lũ miền Trung và mới đây là ủng hộ các chương trình phòng chống Covid-19 trên địa bàn. Chỉ riêng trong năm 2020, CBCNV toàn ngành Ngân hàng Đà Nẵng đã ủng hộ cho các hoạt động an sinh xã hội gần 22 tỷ đồng.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế thành phố đề ra trong bối cảnh hiện nay, ngành Ngân hàng Đà Nẵng càng phấn đấu, nỗ lực hơn nữa. Không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, cũng như công tác thanh tra, giám sát đảm bảo an toàn và hiệu quả các hoạt động tín dụng trên địa bàn. Các chi nhánh TCTD mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các thành phần kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu luôn dưới 3%. Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng cùng với việc đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa... theo định hướng chung của ngành Ngân hàng trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đánh dấu chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển đầy ấn tượng của thành phố, ngành Ngân hàng Đà Nẵng luôn tự hào với những đóng góp của mình đã góp phần làm nên một Đà Nẵng của ngày hôm nay. Tập thể CBCNV, người lao động ngành Ngân hàng thành phố Đà Nẵng thể hiện quyết tâm vượt qua mọi thách thức, để phát triển vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành trên địa bàn, để cùng với nhân dân, chính quyền và các doanh nghiệp hòa nhịp với sự phát triển đi lên của thành phố. Mục tiêu phấn đấu để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm sáng tạo khởi nghiệp, trung tâm tài chính khu vực sẽ thành hiện thực trong thời gian không xa.
Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm. GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư, đưa vào sử dụng. Không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng” |