8 người đọ 3,6 tỷ: Bất bình đẳng là đây
Bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo | |
UNCTAD: Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng | |
Tài sản của tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates đạt tới 90 tỷ USD |
Báo cáo mang tên “Nền kinh tế dành cho 99%” của Oxfam cho thấy, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Báo cáo trình bày chi tiết cách các doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu đang đẩy cuộc khủng hoảng bất bình đẳng thêm trầm trọng thông qua trốn thuế, giảm lương và sử dụng quyền lực của mình nhằm gây ảnh hưởng chính trị. Báo cáo kêu gọi thay đổi căn bản trong cách chúng ta quản lý nền kinh tế, từ đó đem lại lợi ích cho mọi người, thay vì chỉ cho một số người may mắn.
Dữ liệu cập nhật hơn về sự phân bố tài sản toàn cầu. Cụ thể, một nửa dân số nghèo nhất của thế giới sở hữu ít tài sản hơn so với ước tính trước đây. Nếu có được những dữ liệu này từ năm 2015, con số phải là 9 tỷ phú sở hữu khối tài sản bằng một nửa dân số nghèo nhất trên thế giới, mà không phải là 62 tỷ phú như Oxfam đã tính toán tại thời điểm đó.
Bill Gates: Nhà sáng lập người Mỹ của Microsoft |
Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam International, cho biết: “Việc chỉ một số người sở hữu khối tài sản quá lớn là điều không thể chấp nhận được, trong khi cứ 10 người thì có 1 người đang sống với dưới 2 USD một ngày. Bất bình đẳng đang khiến hàng tỷ người bị mắc kẹt trong nghèo đói, gây chia rẽ xã hội và đe dọa nền dân chủ”.
Trên khắp thế giới, nhiều người đang bị bỏ lại phía sau. Mức lương của người lao động giậm chân tại chỗ, trong khi các ông chủ doanh nghiệp bỏ túi hàng tỷ USD tiền lãi; dịch vụ y tế cho người dân bị cắt giảm, trong khi doanh nghiệp và giới siêu giàu trốn thuế; tiếng nói của cộng đồng bị bỏ qua, trong khi Chính phủ vào hùa với các doanh nghiệp lớn và giới quyền lực giàu có.
Báo cáo của Oxfam cũng chỉ ra cách thức các nền kinh tế méo mó của chúng ta đang bơm thêm tài sản cho giới quyền lực và giàu có, đồng thời bỏ qua lợi ích của những người nghèo nhất trong xã hội, mà chủ yếu là phụ nữ. Những người giàu nhất đang tích lũy tài sản với tốc độ đáng kinh ngạc, đến mức có thể sẽ xuất hiện con số 1 nghìn tỷ phú đầu tiên trong 25 năm tới. Hãy thử xem xét con số này – bạn cần tiêu 1 triệu USD mỗi ngày trong 2.738 năm để có thể tiêu hết 1 nghìn tỷ USD.
Sự giận dữ của công chúng đối với bất bình đẳng đã tạo ra những cú sốc chính trị trên khắp thế giới. Bất bình đẳng được cho là nhân tố quan trọng trong chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump ở Mỹ, của Tổng thống Duerte ở Philippines và sự kiện Brexit tại Vương quốc Anh.
Cứ 10 người thì có tới 7 người đang sống tại quốc gia có sự gia tăng bất bình đẳng trong 30 năm qua. Từ năm 1988 đến 2011, thu nhập của 10% người nghèo nhất tăng 65 USD một năm, trong khi thu nhập của 1% người giàu nhất tăng trung bình 11.800 USD một năm – tức là gấp 182 lần.
Là những người thường xuyên làm việc ở những lĩnh vực có mức lương thấp, phụ nữ thường đối mặt với mức độ phân biệt đối xử cao tại nơi làm việc, và là những người đảm nhiệm phần lớn công việc không công và thường không có vị trí trong xã hội. Nếu những xu hướng như hiện nay vẫn tiếp tục, phải 170 năm nữa nữ giới mới được nhận mức lương ngang với nam giới.
“Nền kinh tế dành cho 99%” phản ánh việc các doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu đang đẩy cuộc khủng hoảng bất bình đẳng trầm trọng thêm như thế nào. Báo cáo chỉ ra cách các doanh nghiệp lớn đang trốn thuế, giảm lương nhân viên, hạ giá trả cho nhà sản suất và giảm thiểu đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông giàu có.
Oxfam đã phỏng vấn những phụ nữ làm việc tại một nhà máy dệt may tại Việt Nam. Họ đang làm việc 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần và vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống với thu nhập 1 USD mỗi giờ để sản xuất quần áo cho nhiều hãng thời trang lớn nhất thế giới. Trong khi đó, giám đốc điều hành của các công ty này cũng nằm trong số những người nhận lương cao nhất trên thế giới.
Doanh nghiệp trốn thuế thu nhập gây thiệt hại mỗi năm ít nhất 100 tỷ USD cho các nước nghèo. Số tiền này đủ để giúp 124 triệu trẻ em thất học đến trường và chi trả cho các can thiệp y tế giúp cứu sống ít nhất 6 triệu trẻ em mỗi năm.
Báo cáo mô tả cách giới siêu giàu lợi dụng mạng lưới thiên đường thuế để trốn tránh nghĩa vụ thuế và sử dụng một đội ngũ các nhà quản lý tài sản để bảo đảm lợi nhuận từ các khoản đầu tư mà người tiết kiệm bình thường không bao giờ có được.
Không như nhiều người nghĩ, những người siêu giàu không tự nỗ lực để trở nên giàu có. Các phân tích của Oxfam chỉ ra rằng một nửa số tỷ phú trên thế giới được thừa kế tài sản hoặc tích lũy tài sản thông qua các cơ chế có yếu tố tham nhũng và chủ nghĩa thân quen.
Báo cáo cũng cho thấy các doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu dùng tiền và mối quan hệ như thế nào khiến các chính sách của chính phủ có lợi cho họ. Ví dụ như, các tỷ phú Brazil đã tìm cách tác động đến cuộc bầu cử và đã vận động hành lang thành công các đạo luật giảm thuế, trong khi các công ty dầu mỏ Nigeria đã tìm được cách có được mức giảm thuế hào phóng.
Byanyima cho biết: “Đối với hàng triệu người đang bị nền kinh tế méo mó hiện nay bỏ lại phía sau, họ cần giải pháp, không cần người nhận lỗi. Vì vậy, Oxfam đang xây dựng một cách tiếp cận mới hợp lý hơn để quản lý kinh tế, đem lại lợi ích cho đa số, thay vì chỉ cho một số người may mắn”.
“Các chính phủ không bất lực trước những thay đổi về công nghệ và các lực lượng thị trường. Nếu các chính trị gia không bị ám ảnh với các chỉ tiêu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chú trọng vào lợi ích của mọi người dân, thay vì chỉ của một số người giàu có, thì tất cả mọi người có thể có một tương lai tốt đẹp hơn.” – Byanyima nói.
Kế hoạch của Oxfam cho một nền kinh tế nhân văn hơn bao gồm: Các quốc gia chấm dứt tình trạng tập trung tài sản cực đoan nhằm chấm dứt đói nghèo. Các quốc gia cần tăng thuế tài sản và thuế thu nhập cao nhằm bảo đảm cho sân chơi được bình đẳng hơn và để có nguồn ngân sách cần thiết đầu tư cho y tế, giáo dục và tạo việc làm.
Các quốc gia cần hợp tác thay vì cạnh tranh với nhau. Các quốc gia cần làm việc với nhau nhằm bảo đảm người lao động được nhận mức lương xứng đáng và chấm dứt hành vi trốn thuế cũng như cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các quốc gia cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang đem lại lợi ích cho người lao động và xã hội, mà không chỉ cho cổ đông. Công ty Mondragon, với giá trị hàng tỷ Euro, đang là chủ sở hữu của 74.000 người lao động. Tất cả người lao động được nhận mức lương xứng đáng vì hệ thống lương của công ty bảo đảm rằng mức lương cao nhất sẽ không gấp hơn 9 lần mức lương thấp nhất.
Các quốc gia cần bảo đảm nền kinh tế đem lại lợi ích cho phụ nữ. Các quốc gia phải xóa bỏ rào cản đối với sự tiến bộ về kinh tế của phụ nữ, như tiếp cận giáo dục và gánh nặng bất công trong những việc chăm sóc không công.
Oxfam cũng kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp thực hiện vai trò của mình trong việc xây dựng một nền kinh tế nhân văn. Chủ đề chính của WEF năm nay là khả năng lãnh đạo nhạy bén và có trách nhiệm. Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng việc cam kết trả đầy đủ nghĩa vụ thuế và đảm bảo doanh nghiệp mình chi trả mức lương đủ sống.
Danh sách 8 người giàu nhất trên thế giới bao gồm (theo thứ tự về giá trị tài sản ròng): 1. Bill Gates: Nhà sáng lập người Mỹ của Microsoft (giá trị tài sản ròng 75 tỷ USD) 2. Amancio Ortega: Nhà sáng lập người Tây Ban Nha của Inditex đang sở hữu chuỗi thời trang Zara (giá trị tài sản ròng 67 tỷ USD) 3. Warren Buffett: CEO và cổ đông người Mỹ lớn nhất tại Berkshire Hathaway (giá trị tài sản ròng 60,8 tỷ USD) 4. Carlos Slim Helu: Chủ sở hữu người Mexico của Grupo Carso (giá trị tài sản ròng 50 tỷ USD) 5. Jeff Bezos: Nhà sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành người Mỹ của Amazon (giá trị tài sản ròng 45,2 tỷ USD) 6. Mark Zuckerberg: Chủ tịch, giám đốc điều hành và đồng sáng lập người Mỹ của Facebook (giá trị tài sản ròng 44,6 tỷ USD) 7. Larry Ellison: Nhà đồng sáng lập và CEO người Mỹ của Oracle (giá trị tài sản ròng 43,6 tỷ USD) 8. Michael Bloomberg: Nhà sáng lập, chủ sở hữu và CEO người Mỹ của Bloomberg LP (giá trị tài sản ròng 40 tỷ USD) |